Chấp nhận các nguy cơ lúc ẩn lúc hiện với chiến lược 'zero-covid'?
Các quốc gia châu Á cuối cùng đang từ bỏ chiến lược 'zero-covid', có phải họ đang bất chấp rủi ro?... Họ đúng khi làm như vậy!
Đến lúc trả lại cuộc sống cho người dân
Trong phần lớn thời gian đại dịch hoành hành, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã theo đuổi chiến lược “zero-covid”, cho dù có tuyên bố rõ ràng hay không.
Thành công của phương pháp này, sẽ bao gồm cả những quy định khắt khe để hạn chế tối đa sự lây lan virus như đóng cửa biên giới, cách ly tập trung và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt...
Theo thống kê của The Economist cho thấy, Hong Kong (Trung Quốc) không có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng nào kể từ giữa tháng Tám. Trong năm đầu tiên của đại dịch, con số công bố về tử vong do Covid-19 của Đài Loan (Trung Quốc) chỉ khoảng một chục. New Zealand là quốc gia nổi bật với chỉ có 27 trường hợp tử vong do dịch bệnh. Thậm chí ở một số nền kinh tế, số người chết nói chung giảm so với trung bình một năm bình thường, do giảm mạnh tai nạn đường bộ.
Tuy nhiên, những nền kinh tế có kết quả chống dịch tốt trong các đợt Covid-19 đầu tiên, lại đang gặp khó khăn trong các đợt dịch tiếp theo, đặc biệt khi phải đối phó với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), các trường hợp mắc bệnh đã tăng mạnh vào tháng Năm và số người tử vong tăng lên gần 850 người.
Tại Singapore, số ca nhiễm hàng ngày tăng từ mức thấp hai con số vào đầu tháng Bảy lên hơn 3.000 người hiện nay.
Ở Australia với khoảng 2.000 ca dương tính mới mỗi ngày, tình hình dịch bệnh vẫn theo một quỹ đạo tăng một cách bất ngờ. Ngay cả ở New Zealand, số người nhiễm bệnh mỗi ngày ở mức hai con số cũng đang bị đe dọa.
“Đã quá muộn để ngăn chặn sự nguy hiểm của biến chủng Delta”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), người cũng từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tại đây nhận định.
Do đó, việc các quốc gia từ bỏ chiến lược “zero-covid” là phù hợp. Singapore là nơi đầu tiên ở châu Á đã chính thức công bố “phải sống chung với Covid-19”, vào tháng Sáu.
Chương trình tiêm chủng của Singapore thành công nhất ở châu Á, với 82% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó càng thúc đẩy các ngành kinh tế nhanh chóng mở cửa trở lại.
Vào cuối tháng Tám, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố kết thúc chính sách tiếp cận “zero-covid”, chấp nhận số ca bệnh sẽ tăng lên, miễn là các bệnh viện có thể đối phó với chúng và không quá tải.
Với mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất là 80%, vào cuối năm, hầu hết các hạn chế sẽ được nới lỏng. “Đã đến lúc, cần phải trả lại cuộc sống cho người dân Australia”, Thủ tướng Morrison nói.
Mới đây, đến lượt New Zealand tuyên bố từ bỏ chiến lược “zero-covid”. Mặc dù nữ Thủ tướng Jacinda Ardern giành được nhiều khen ngợi vì cách xử lý đại dịch, nhưng tình hình không tốt lên.
Vào ngày 2/10, cư dân Auckland bất chấp lệnh giãn cách tại nhà để phản đối các hạn chế của chính phủ. Sau đó, Thủ tướng Ardern cũng đã phải lên tiếng thừa nhận, “việc trở lại số 0 là vô cùng khó khăn”. Bà chính thức công bố một “cách làm mới”, bao gồm việc gỡ bỏ dần các hạn chế giãn cách nghiêm ngặt.
Hiện vẫn chưa rõ “cách làm mới” của bà như thế nào, nhưng Thủ tướng Ardern hứa sẽ triển khai một “cách tiếp cận rất tích cực”.
Trong khi đó, dù Australia đã chính thức chấm dứt việc theo đuổi “zero-covid”, thì vẫn để lại một viễn cảnh xa vời đối với việc mở cửa trở lại hoàn toàn. Bởi ngay cả yêu cầu người tiêm chủng đầy đủ được cách ly ở nhà, thay vì bắt buộc tập trung đã trở thành đề tài tranh luận lớn. Đất nước này vẫn còn một chặng đường dài để chấp nhận rủi ro và tiếp tục sống chung với Covid-19.
Những con đường không bằng phẳng
Đối với Singapore, tình trạng lo lắng bao trùm khi tình hình các ca bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Một bản kiến nghị công khai hiếm hoi kêu gọi kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả khách du lịch nước ngoài đã được nêu ra.
Chính phủ lại phải đưa ra bài toán tái áp dụng các hạn chế, bao gồm cả việc cho trẻ em học tại nhà, hay dành riêng “làn đường cho các đối tượng đã được tiêm phòng”, hay cho phép đi lại miễn kiểm dịch với một số quốc gia nhất định.
Singapore vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa cánh cửa biên giới từ ngày 19/10 mà không cách ly khách nhập cảnh từ nhiều nước. Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực xây dựng lại hình ảnh một trung tâm hàng không quốc tế thời sống chung với Covid-19.
Chính phủ Singapore khẳng định, đất nước đã sẵn sàng sống chung với virus và chấp nhận các nguy cơ lâu dài vẫn lúc ẩn, lúc hiện.
Với số ca nhiễm hiện vượt trên 3.000 ca/ngày, Singapore trở thành nơi có tỷ lệ nhiễm ca mới tính theo dân số thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng hầu hết các ca không triệu chứng hoặc rất nhẹ. Thủ tướng Lý Hiển Long dự báo, phải mất từ ba đến sáu tháng để Singapore đạt được trạng thái bình thường mới và có thể nới lỏng các giới hạn khi số ca nhiễm bình ổn, thậm chí hàng trăm ca/ngày.
Cùng với hành động đó, Singapore cũng đang phải cố trả lời rất nhiều câu hỏi: Cuộc khủng hoảng sức khỏe sẽ tác động thế nào tới kinh tế thế giới? Liệu một trung tâm du lịch và thương mại như Singapore có tìm ra cách thức mới để thu hút con người và vốn đầu tư?...
Singapore cũng từng được xem là hình mẫu chống dịch và kiểm soát dịch bệnh. Nhưng cuộc khủng hoảng cũng làm lộ những điểm yếu của nền kinh tế, chẳng hạn, ngành xây dựng, đóng tàu và nhiều ngành công nghiệp khác dựa vào lao động giá rẻ...
Đóng cửa biên giới không chỉ làm suy sụp ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan, nó cũng chặn luôn dòng nhân lực cao cấp và cả công nghệ mới, gây ảnh hưởng tới đường hướng phát triển.
Rồi thế giới cũng nhận ra rằng, chuỗi sản xuất và kinh doanh toàn cầu, nếu tập trung ở một nước nào đó thì rất dễ bị tổn thương. Sự chuyển tiếp từ đại dịch sang loại bệnh đặc hữu chưa bao giờ được đánh giá là dễ chịu. Nó chắc chắn khó, thậm chí bất định luôn hiển hiện. Nhưng ít nhất, Singapore có cơ hội chạy đà khi tìm cách xây dựng nền sản xuất tiên tiến và đẩy mạnh công nghệ số, đó là cơ hội.
Theo giới quan sát, nếu việc từ bỏ chính sách “zero-covid” trong khi chưa có chiến lược nào cả, thì các nền kinh tế còn đang lưỡng lự cũng nên xem xét trường hợp Hong Kong (Trung Quốc). Họ lại đang gặp khó khăn khác khi bị mắc kẹt với “zero-covid”.
Dịch bệnh không tồn tại (ít nhất ở thời điểm hiện tại), không ai phải bàn tới mức độ miễn dịch cộng đồng nào. Nguy cơ nhiễm bệnh thấp khiến việc phổ biến vaccine cũng không được coi trọng, tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp.
Tuy nhiên, cho dù nơi đây hiện tại an toàn, nhưng không ai có thể chắc chắn rằng, dịch bệnh sẽ không bùng phát tại đây vào một lúc nào đó.