Chấp nhận chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với hạnh phúc và thành công

Đó là một ngày oi bức của tháng 8.2016, tại Rio de Janeiro, Brazil. Sarah True, nữ vận động viên đại diện cho nước Mỹ cùng các vận động viên hàng đầu thế giới bộ môn ba môn phối hợp đang chuẩn bị lao xuống nước.

Đối mặt để vượt qua chứng trầm cảm

Đây không phải là lần đầu tiên Sarah tham gia Olympic. Trong giải đấu năm 2012, cô đã về đích ở vị trí thứ tư, vì chậm mười giây nên đành bỏ lỡ cơ hội đặt chân lên bục nhận huy chương. Sarah tham gia kỳ Olympic 2016 không chỉ với quyết tâm hoàn thành giấc mơ dang dở của bản thân, mà cô còn nỗ lực vì chồng mình, Ben True, một vận động viên bền bỉ đẳng cấp thế giới, một trong những vận động viên chạy cự ly trung bình giỏi nhất mà nước Mỹ từng có. Tuy nhiên, anh dường như lại không có duyên với các kỳ Olympic.

Ben đã hy vọng quyết tâm và nỗ lực của mình sẽ được đền đáp vào năm 2016, nhưng vì chậm chưa đầy một giây mà anh đã bị loại khỏi đội tuyển dự thi Olympic khi chỉ mới ở vòng loại. Đối với cặp vợ chồng dành cả cuộc đời để theo đuổi thành tích vượt trội và đã tiến tới rất gần mục tiêu của mình, việc để vụt mất thành công chỉ vì vài giây chậm trễ, không phải chỉ một mà đến hai lần, thật sự vô cùng đau đớn. Hôm đó khi Sarah True nhảy từ tấm ván nhún ở Copacabana, cô đã mang trên vai gánh nặng gấp đôi.

Sarah đạt thành tích rất tốt trong chặng thi bơi, và trở thành ứng viên sáng giá cho tấm huy chương vàng. Nhưng khi lên bờ và chuẩn bị bắt đầu chặng đua xe đạp, cô bị đau co thắt ở chân. Cô nghĩ mình chỉ bị căng cơ một chút và cơn đau sẽ hết khi cô bắt đầu đạp xe. Nhưng thực tế không như vậy. Sarah đã cố đạp xe đến cùng, bất chấp cơn đau đang hiện rõ trên mặt. Cuối cùng, cô bị rơi lại phía sau và phải bỏ ngang chặng đua.

Sarah đã làm tất cả những gì có thể để giữ cho mình không gục ngã, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi. Bên trong, cô gần như đã bị đánh bại. Không lâu sau khi đáp chuyến bay từ Brazil về Mỹ, Sarah bắt đầu rơi vào vòng xoáy u ám của chứng trầm cảm.

Sarah đã làm những việc mà bất cứ vận động viên cứng cỏi nào cũng sẽ làm trong tình huống đó. Cô đã nỗ lực vượt qua nỗi đau. Cô tự nhủ mọi chuyện rồi sẽ qua. Cô nghĩ mình có thể chịu được. Thật không may, cô đã lầm.

Cuối cùng, đến giữa năm 2017, Sarah bắt đầu mở lòng với những gì đã xảy ra và hoàn toàn chấp nhận sức nặng của nỗi đau buồn mà mình đang gánh chịu, cùng với chứng trầm cảm mà nó gây ra. Cô thôi kháng cự, ngừng chống chọi với nỗi đau đó một mình và bắt đầu tiếp nhận liệu pháp điều trị chuyên sâu. Khi được hỏi, cô nói cô không thể xác định được một thời điểm, sự kiện hay nguyên nhân cụ thể nào đã thúc đẩy cô tìm kiếm sự giúp đỡ. Cô chỉ biết mình quá mệt mỏi và mình vẫn còn sống.

Cô nói: “Các vận động viên sức bền như chúng tôi được dạy phải chịu đựng, phải tiếp tục nỗ lực. Khi có điều gì đó bất ổn, bạn càng phải nỗ lực nhiều hơn; bạn phải thúc đẩy bản thân, phải tiến lên chứ không được dừng lại. Nhưng rõ ràng là lối tư duy này đã không hiệu quả trong tình huống của tôi”.

Đối với Sarah, việc sống chậm lại, chấp nhận tình cảnh hiện tại và đối mặt để vượt qua chứng trầm cảm cũng như những nguyên nhân gây ra nó còn khó khăn hơn nhiều so với việc vươn lên dẫn đầu trong cuộc thi ba môn phối hợp căng thẳng nhất – và chúng đều là những tình huống mà cô không quá hào hứng mỗi khi phải đương đầu.

Kiểu lập luận có động cơ

Dù không nổi tiếng như Sarah True, nhưng tất cả chúng ta đều từng trải qua những lúc thăng trầm, cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Cuộc sống không hề dễ dàng. Mọi thứ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có quá nhiều vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta như sự lão hóa, bệnh tật, cái chết, tình hình kinh tế, hành động của những người mà chúng ta quan tâm. Đây có thể là một thực tế khó chấp nhận và đôi khi là rất đáng sợ.

Chính vì vậy, khi mọi việc không diễn ra thuận lợi, thay vì nhìn thẳng vào sự thật đó, chúng ta có khuynh hướng bấu víu vào những ý nghĩ hão huyền, tự thuyết phục bản thân tin rằng hoàn cảnh của mình tốt đẹp hơn thực tế. Các nhà khoa học xã hội gọi đó là lập luận có động cơ, hay khuynh hướng không nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất của chúng mà tìm cách lý luận để thuyết phục bản thân nhìn sự việc theo cách mình muốn.

Một ví dụ phổ biến về lập luận có động cơ là khi bạn biết mình không còn muốn làm công việc mà mình không thích nữa, nhưng thay vì đối mặt với sự thật khó chịu này, bạn lại tìm được rất nhiều lý do cho thấy công việc hiện tại của mình – công việc mà bạn chán ghét – thật sự rất tuyệt vời. Hoặc chúng ta chỉ đơn giản là phớt lờ toàn bộ tình huống khiến mình căng thẳng. Chúng ta nhắm mắt bịt tai để chối bỏ sự thật hoặc làm chính xác những gì chủ nghĩa cá nhân anh hùng và nền văn hóa trọng thành tích dạy chúng ta phải làm: suy nghĩ tích cực, tự làm bản thân tê dại và phân tán sự chú ý, mua sắm và lướt mạng xã hội.

Chúng ta đắm chìm trong những hoạt động điên cuồng và mang tính cưỡng bách để không phải chú ý đến những vấn đề cũng như nỗi sợ của mình. Chúng ta mong chờ mọi việc trở nên tốt đẹp hơn mà không hề nhận thức hay chấp nhận khởi điểm của mình.

Mặc dù cách làm này có thể giúp chúng ta tạm thời né tránh nỗi đau, nhưng nó chắc chắn không phải là giải pháp lâu dài. Lý do là vì chúng ta cứ mải đi theo vết xe đổ của việc không giải quyết vấn đề thật sự cần giải quyết – chẳng hạn như những thói quen xấu, cảm giác cô đơn trong một mối quan hệ, tình trạng suy kiệt vì công việc, sự mất kết nối giữa cơ thể và tâm trí hoặc tình trạng bất ổn trong cộng đồng của mình. Hậu quả là chúng ta không bao giờ cảm thấy mình thật sự đứng vững ở vị trí hiện tại, bởi chúng ta chưa bao giờ thật sự sống trọn vẹn trong thực tại của mình.

Vậy nguyên tắc đầu tiên để sống vững vàng chính làhãy chấp nhận thực tại. Sự tiến bộ trong bất cứ lĩnh vực nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đòi hỏi chúng ta phải nhận thức, chấp nhận và bắt đầu từ vị trí hiện tại, chứ không phải từ nơi chúng ta muốn đến hay nơi chúng ta cho rằng mình nên đến. Rồi bạn sẽ sớm nhận ra, chấp nhận chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với trạng thái hạnh phúc và thành công trong hiện tại cũng như những thay đổi hiệu quả trong tương lai.

Khi mới nghe nói đến sự chấp nhận, có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến việc bỏ cuộc, thái độ tự mãn, không nỗ lực, hoặc bằng lòng với sự tầm thường. Nhưng sự thật không phải vậy. Chấp nhận không phải là thụ động cam chịu. Chấp nhận là nắm rõ tình huống và nhìn sự việc đúng với bản chất của nó – dù bạn có thích hay không. Chỉ khi hiểu rõ tình huống hiện tại và cảm thấy thoải mái đủ để hiện diện trong tình huống đó, bạn mới thực hiện được những hành động khôn ngoan và hiệu quả để đến với vị trí mà bạn mong muốn.

Và trên hết, bạn không thể tác động tích cực lên một sự việc nào đó nếu ngay từ đầu bạn đã từ chối chấp nhận sự thật rằng sự việc đó đang xảy ra. Chúng ta rất thường tập trung đối phó với những thử thách cam go trong cuộc sống mà không nhận thức, chấp nhận và giải quyết căn nguyên của chúng.

Trích Nghệ thuật sống vững vàng, tác giả Brad Stulberg

Hạ Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chap-nhan-chinh-la-chia-khoa-mo-ra-canh-cua-den-voi-hanh-phuc-va-thanh-cong-198415.html