Chấp nhận giá tăng theo quy luật thị trường?
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc thiếu vỏ container (cont) và giá vận tải hàng xuất/nhập khẩu bằng cont qua đường biển tăng thời gian qua do thị trường quyết định, Nhà nước không thể can thiệp bằng hành chính. Nhà nước chỉ có thể can thiệp vào khu vực dịch vụ do Việt Nam cung cấp và giám sát theo quy định.
Tình trạng thiếu vỏ cont để đóng hàng và giá cước vận tải biển chở cont xuất/nhập khẩu tăng gấp 2-10 lần kéo dài từ quý 3/2020 tới nay gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Để tìm giải pháp, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp với doanh nghiệp, đại lý, hãng tàu; ra văn bản chỉ đạo, thậm chí lập tổ kiểm tra, nhưng thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cont tại một số cảng khu vực châu Âu, Mỹ không kịp giải phóng. Cùng với đó, các nước kiểm soát biên giới đường bộ và hàng không, hàng hóa phải đổ dồn đi đường biển. Vậy nên nhu cầu tăng cao, trong khi đó, vỏ cont bị ứ đọng, dẫn tới cầu vượt cung và giá bị đẩy lên. Theo ông Nhật, giá được điều tiết theo cung - cầu, quy luật của thị trường. Giá vận tải biển tăng là tình trạng chung trên toàn cầu, Nhà nước không thể bắt buộc hãng tàu chuyển vỏ cont về Việt Nam, cũng không thể sản xuất vỏ container để can thiệp thị trường.
Về giá cước vận tải cont xuất/nhập khẩu tăng cao, theo ông Nhật, khi nhu cầu vận tải hàng bằng đường biển tăng, giá cước sẽ tăng, đó là quy luật thị trường. Còn Việt Nam không có hãng tàu vận tải cont, hơn 90% hàng hóa xuất/nhập khẩu phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, vỏ cont cũng của nước ngoài, nên không can thiệp thị trường được.
“Nhà nước chỉ quản lý việc công khai, niêm yết giá của các hãng tàu và một số loại phí dịch vụ cảng biển Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, những loại phí phía Việt Nam thu chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá thành vận tải cont. Cái gì mình cung cấp mới quản lý và điều tiết được, Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, đã tham gia thị trường phải theo cơ chế thị trường”, ông Nhật nói. Theo ông Nhật, hiện tại, Việt Nam chưa có hãng tàu vận tải cont do chi phí đầu tư lớn, hai “anh cả” lớn nhất là Vinalines và Vinashin nhiều năm qua khó khăn, phải tái cơ cấu, bán bớt tàu.
Để tìm hướng xử lý tình trạng trên, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, Cục Hàng hải (Bộ GTVT), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có 2 buổi làm việc với các chủ hàng, hãng tàu, đại lý hàng hải để nắm tình hình, bàn hướng xử lý. Cục Hàng hải cũng có văn bản yêu cầu các hãng tàu nước ngoài công khai giá, phí theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi Bộ GTVT chỉ đạo, cuối tháng 2 vừa qua, Cục Hàng hải, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Cục Xuất Nhập khẩu đã lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng cont trên đường biển.
Một thành viên Tổ công tác liên ngành cho biết, đang yêu cầu các hãng tàu nước ngoài, đại lý tàu biển tại Việt Nam báo cáo việc niêm yết và công khai giá, phí theo quy định Việt Nam. Sau đó, tổ sẽ kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp. “Cước phí vận tải cont bằng đường biển có thể còn ở mức cao và kéo dài tới khi nào dịch COVID-19 được kiểm soát”, ông này nói. Do đó, Tổ kiểm tra còn có trách nhiệm đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Việt Nam cho phù hợp.