Chat GPT không thể thay thế cảm xúc và trí tưởng tượng của nhà văn
VOV.VN -Tại diễn đàn 'Chat GPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay' ngày 20/4, nhiều diễn giả, tác giả và đại diện các nhà xuất bản cho rằng, công nghệ có thể rút ngắn thời gian trong việc tổng hợp các kiến thức. Tuy nhiên, cảm xúc và trí tưởng tượng luôn là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa tác phẩm văn học do con người và chat GPT tạo ra.
Con người vẫn là trọng tâm
Tại diễn đàn, nhà văn Phương Huyền chia sẻ, trước đây khi viết các tác phẩm cho thiếu nhi, chị phải đi thực tế rồi mới rút ra kinh nghiệm để viết sao cho thu hút, hấp dẫn bạn đọc nhí. Khi chat GPT xuất hiện, tác giả đã trải nghiệm và thấy rất thú vị, ứng dụng này có thể cô đọng nội dung, truyền tải rõ ràng. Tuy nhiên tác giả coi chat GPT là công cụ hỗ trợ bởi thực tế, để viết ra những tác phẩm đi vào lòng người, gần gũi, thân thuộc thì chỉ có trí tưởng tượng, sự giao tiếp giữa con người với nhau mới tạo nên cảm xúc chân thật. Nhà văn Phương Huyền nói: “Mình tin là nhà văn vẫn có chỗ dứng, đương nhiên chúng ta vẫn sử dụng công cụ đó để giúp cho sự sáng tạo, trí tưởng tượng của mình mở rộng hơn”.
Cần xác thực tính chính xác
Tuy là công cụ hữu ích trong việc sắp xếp, tổng hợp và gợi ý nội dung để triển khai tác phẩm, song các diễn giả cũng cho rằng hiện nay dữ liệu của ứng dụng này có những thông tin chưa chính xác. PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy ví dụ, về mặt văn học, các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có 65% vốn ngôn ngữ mượn từ tiếng Hán. Trong đó có nhiều nội dung mà chat GPT không thể hiểu và giải thích chính xác. Khi đó người sử dụng phải biết phân biệt. “Chat GPT được huấn luyện trên hàng triệu tài liệu, hàng trăm thứ tiếng nhưng trong đó có những tài liệu mang tính đặc thù của Việt Nam mà do không được huấn luyện nên chat GPT sẽ không thể hiểu được, đó là những hạn chế của ứng dụng này", ông nói.
Theo ông Nguyễn Minh Huấn – thành viên Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030", khi một công nghệ mới xuất hiện, việc của con người là khai thác mặt hiệu quả và hiểu được mặt chưa tốt để có thể áp dụng vào thực tiễn một cách đúng đắn. Trong việc viết lách, chắc chắn Chat GPT hay các ứng dụng khác sẽ không thể tạo ra được những tác phẩm lay động con tim, được viết bằng chính cảm xúc và trải nghiệm của mỗi cá nhân.
Tuy chat GPT giúp tổng hợp thông tin nhanh hơn, nhưng sẽ có những nội dung do chưa được đưa vào để huấn luyện, nên chắc chắn chúng sẽ đưa ra những nội dung sai lệch. Ông Nguyễn Minh Huấn nói: “Trong quá trình sử dụng công cụ này, kể cả trong lĩnh vực xuất bản, hoặc những nhà văn trẻ sử dụng công nghệ để sáng tác văn chương nên có trách nhiệm trong việc sử dụng tác phẩm được tạo ra bởi công cụ này”./.