'Chất keo' gắn kết cộng đồng
Với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Thanh được ví như một vườn hoa đa sắc màu. Mỗi độ tết đến, xuân về những gam màu ấy lại rực rỡ, tươi mới hơn bởi việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống phong phú và đặc sắc. Từ đó, không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý báu của dân tộc, mà còn tạo nên 'chất keo' để gắn kết cộng đồng.
Tung còn là trò chơi thường được người dân tộc Thái (Thường Xuân) tổ chức vào dịp đầu năm mới.
Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong quá trình lao động sản xuất và đời sống tinh thần, các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc trong tỉnh dần được hình thành và được người dân gìn giữ, phát huy giá trị cho tới hôm nay. Nếu như đồng bào dân tộc Thái, Mường có trò chơi tung còn, bắn nỏ, tó má lẹ, đu quay; đồng bào dân tộc Mông có trò ném pao; thì đồng bào dân tộc Kinh có trò nấu cơm thi, đập niêu, chơi cờ tướng, cờ người... Đến nay, các trò chơi vẫn được người dân tổ chức thường xuyên, nhất là trong dịp đầu xuân năm mới, hoặc trong các lễ hội truyền thống. Từ đó, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, mang lại thư giãn cho Nhân dân sau những ngày lao động vất vả.
Những ngày đầu năm mới, đi dọc khắp các bản làng của bà con dân tộc Thái ở huyện Thường Xuân, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp hoặc tham gia chơi các trò chơi dân gian cùng người dân. Bởi với họ, ngày tết, ngày đầu năm mới chính là dịp để người dân quây quần cùng tham gia các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, sôi nổi và làm tăng thêm tình đoàn kết. Để tổ chức trò chơi, bà con thường chọn các bãi đất trống rộng rãi hay sân vận động tại nhà văn hóa thôn. Bà Vi Thị Mai, xã Yên Nhân (Thường Xuân), cho biết: Các trò chơi, trò diễn dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức và gắn bó trong đời sống của chúng tôi từ khi còn nhỏ. Do đó, vào dịp tết chính quyền địa phương thường hay tổ chức các trò chơi dân gian, trong đó đu quay là một trong những trò chơi mạo hiểm nhưng thu hút rất đông người tham gia, bởi vậy, đây là trò chơi không thể “vắng mặt” trong dịp tết. Ngoài ra, các môn như đẩy gậy, bắn nỏ vốn dành cho nam giới nay cũng được chị em phụ nữ chơi rất thành thạo. Còn trò chơi tung còn thì lại đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kiên trì và sự nhanh nhẹn của người chơi. Đây là trò chơi thu hút cả già trẻ, gái trai và trẻ em tham gia, khi quả còn được tung lên sẽ mang theo ước nguyện ngày xuân của người dân đó là cầu cho một năm mới bình an và may mắn.
Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, nếu nói rằng lễ hội mang bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, thì trò chơi dân gian chính là điểm nhấn của lễ hội đó. Chính vì vậy, từ miền núi xuống đồng bằng, miền biển nơi nào cũng rộn ràng sắc màu của lễ hội và những trò chơi dân gian truyền thống. Các trò chơi dân gian được tổ chức không chỉ mang tính giải trí, tạo tiếng cười trong những ngày đầu xuân mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách về địa phương. Bởi vậy, ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhiều địa phương đã tổ chức trò chơi dân gian truyền thống trong các lễ hội. Điển hình như lễ hội bơi trải truyền thống xuân Giáp Thìn năm 2024 tại xã Nga Bạch (Nga Sơn) được tổ chức vào ngày mùng 3 tết. Tham gia lễ hội, các đội chơi tại 7 thôn trong xã sẽ lựa chọn 20 tay chèo khỏe mạnh, khéo léo nhất. Đường đua của các đội là sông Sung, với điểm xuất phát và cũng là điểm đích là nghè Hậu (thôn Bạch Đằng). Các cuộc đua tài đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của đông đảo Nhân dân và du khách.
Ngày xuân, các trò chơi dân gian được tổ chức lại càng mang đến không khí tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Bởi vậy, để các trò chơi dân gian ngày càng được gìn giữ và phát huy, nhiều địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc thường xuyên lồng ghép, tổ chức các trò chơi dân gian vào trong lễ hội hay các sự kiện của địa phương...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/chat-keo-gan-ket-cong-dong/207334.htm