Chất lượng dân số và những thách thức đặt ra

Với trên 1,33 triệu dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%, Thái Nguyên đang ở thời kỳ 'dân số vàng'. Dù vậy, quy mô dân số đang gia tăng như hiện nay cũng tạo thêm nhiều áp lực cho tỉnh, nhất là trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về dân số, không tảo hôn...

Cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về dân số, không tảo hôn...

Không thể phủ định những kết quả đạt được trong việc nâng cao chất lượng dân số của Thái Nguyên. Tuổi thọ bình quân của người dân đã tăng từ 73,7 tuổi (năm 2020) lên 73,9 tuổi (năm 2023). Đáng nói, tầm vóc, thể lực của người dân cũng được cải thiện, chiều cao trung bình của nhóm thanh niên có sự thay đổi đáng kể.

Đồ họa: Mạnh Hùng

Đồ họa: Mạnh Hùng

Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ học đường từ 5 đến 19 tuổi giảm khá nhanh. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi chỉ còn 4,4% (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể chiều cao/tuổi là 12,3% (giảm 0,4%); tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2.500g chiếm 1,5%...

Tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm mạnh (tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống là 12, trong khi năm 2022 là 14,2). Mặt khác, nhiều dịch vụ như tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm các bệnh tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng…

Trong mục tiêu phấn đấu của tỉnh, chất lượng dân số được coi là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề nâng cao chất lượng dân số của Thái Nguyên vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh đã khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi đạt thấp.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: Thái Nguyên đang có xu hướng chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang dân số già. Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên có xu hướng tăng, chiếm trên 12% dân số, cao hơn 3,6% so với năm 2009.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: Thái Nguyên đang có xu hướng chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang dân số già. Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên có xu hướng tăng, chiếm trên 12% dân số, cao hơn 3,6% so với năm 2009.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, nói: Bình quân mỗi người cao tuổi có từ 2 đến 4 bệnh mãn tính. Nhiều người có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.

Bên cạnh đó, vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, khiến chất lượng dân số bị ảnh hưởng. Năm 2022, toàn tỉnh phát hiện trên 70 trường hợp tảo hôn. Tính đến hết năm 2023, số vụ tảo hôn có giảm so với năm trước, nhưng cũng không dưới 50 trường hợp.

Ông Đinh Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho hay: Không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em, tảo hôn còn tước đoạt quyền con người của các em, làm mất đi cơ hội học tập, làm việc tốt, cơ hội để cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Tảo hôn còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi. Những trẻ em gái mang thai, sinh con khi chưa đủ tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong khá cao. Trẻ được sinh ra bởi các cặp bố mẹ chưa đủ tuổi trưởng thành cũng có nguy cơ bị thiếu cân, chết non…

Cùng với những thách thức nêu trên là tình trạng mức sinh giữa các vùng trong tỉnh đang có sự chênh lệnh; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh cũng đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến chất lượng dân số của Thái Nguyên. Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên có trên 11 nghìn trẻ sinh ra, trong đó số trẻ ở nông thôn được sinh ra cao hơn ở thành thị. Số trẻ nam được sinh ra nhiều hơn trẻ nữ (100 trẻ nữ/118 trẻ nam).

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ: Nâng cao chất lượng dân số, nhất là ở các địa bàn vùng khó, vẫn đang là một thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu đề ra cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế và chính quyền các địa phương, nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức cũng như được tiếp cận với các dịch vụ về y tế, dân số - KHHGĐ.

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ: Nâng cao chất lượng dân số, nhất là ở các địa bàn vùng khó, vẫn đang là một thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu đề ra cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế và chính quyền các địa phương, nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức cũng như được tiếp cận với các dịch vụ về y tế, dân số - KHHGĐ.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do công tác quản lý nhà nước về dân số vẫn còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới; chế độ đãi ngộ với cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số cũng chưa thỏa đáng...

Trong khi đó, nhận thức của người dân về tiếp cận sớm với các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh còn chưa cao. Năm 2023, toàn tỉnh chỉ có trên 11% số nam, nữ kết hôn thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân; trên 33% bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh và hơn 30% trẻ được khám sàng lọc sơ sinh…

Để thích ứng với tình trạng dân số già, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là rất cần thiết.

Để thích ứng với tình trạng dân số già, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là rất cần thiết.

Trước những thách thức đang đặt ra, nhằm phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững, Thái Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.

Giám đốc Sở Y tế Đặng Ngọc Huy chia sẻ: Thái Nguyên đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: Chiến lược dân số Thái Nguyên đến năm 2030; Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; cùng nhiều chương trình, đề án có lồng ghép mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện nội dung "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc Dự án 7 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến (Võ Nhai): Trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng tảo hôn. Để ngăn chặn vấn nạn này, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp tích cực của ngành Y tế trong việc cung cấp thông tin khi phát hiện các trường hợp tảo hôn, để cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến (Võ Nhai): Trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng tảo hôn. Để ngăn chặn vấn nạn này, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp tích cực của ngành Y tế trong việc cung cấp thông tin khi phát hiện các trường hợp tảo hôn, để cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dân số, các hoạt động đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhất là mở rộng toàn diện nội dung tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, quản lý, phân bổ dân số, nâng cao chất lượng dân số. Trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Cùng với đó, việc đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục - thể thao, nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc cho trẻ em trên địa bàn; phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo các cấp độ khác nhau… cũng là những tiêu chí cần và đủ đối với Thái Nguyên trong quá trình thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cũng cần củng cố, tăng cường hệ thống bộ máy tổ chức quản lý công tác dân số. Vì nếu bộ máy này không được củng cố, tăng cường ở cơ sở sẽ là gánh nặng rất lớn của ngành Y tế. Đặc biệt là cần đảm bảo đầu tư kinh phí cho công tác dân số, theo tinh thần Nghị quyết 21 về công tác dân số và mức đầu tư phải tương xứng với các mục tiêu đề ra.

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con; quy mô dân số đạt 1,376 triệu người; tỷ số giới tính khi sinh đạt dưới 112 bé trai/100 bé gái. Toàn tỉnh sẽ có 50% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm 50% số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; 40% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; có 95% người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2025; tuổi thọ bình quân toàn tỉnh đạt 74,5 tuổi. Đặc biệt, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168cm, nữ đạt 157cm…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/chat-luong-dan-so-va-nhung-thach-thuc-dat-ra-a1718ed/