Chất lượng dòng tiền cải thiện xu hướng đi lên bền vững của thị trường chứng khoán
Chất lượng dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện được các chuyên gia đánh giá khá tích cực. Thanh khoản cao được phân bổ tương đối đều và luân chuyển giữa nhiều nhóm cổ phiếu, không tập trung quá mức vào một vài mã đầu cơ duy nhất. Dòng tiền 'thông minh' tìm đến các cổ phiếu có câu chuyện riêng và nền tảng tốt, cho thấy nhà đầu tư hiện nay thận trọng và có chọn lọc hơn.

Thông tin kinh tế vĩ mô lạc quan giúp củng cố niềm tin thị trường. Ảnh: Dũng Minh
Những động lực chính nâng đỡ thị trường
Trong nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phục hồi và bứt phá ấn tượng. Cụ thể, bất chấp những biến động từ môi trường quốc tế như các chính sách thuế quan khiến VN-Index đã có những giai đoạn điều chỉnh mạnh từ khu vực 1.340 điểm về mức thấp nhất ghi nhận 1.073 điểm, tuy nhiên thị trường trong nước vẫn thể hiện sức chống chịu tốt và nhanh chóng hồi phục. Chỉ số VN-Index đã chính thức vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.350 - 1.355 điểm, xác lập đỉnh mới trong ba năm trở lại đây và tiếp tục tiến dần đến các ngưỡng cao hơn, như vùng mục tiêu 1.390 - 1.400 điểm trong quý III.
Sự tham gia có định hướng của dòng tiền cho thấy thị trường đang vận động lành mạnh
Nhìn chung, dòng tiền hiện nay được hỗ trợ bởi nền tảng thanh khoản vĩ mô và tâm lý hưng phấn có cơ sở, nên có tính bền vững cao hơn. Dĩ nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý theo dõi chất lượng dòng tiền, ví dụ: nếu thanh khoản tăng quá nhanh kèm tín dụng margin cao đột biến, đó có thể là dấu hiệu hưng phấn thái quá. Nhưng đến hiện tại, chưa thấy dấu hiệu nghiêm trọng của việc dòng tiền “nóng” bất thường; ngược lại sự tham gia rộng rãi và có định hướng của dòng tiền cho thấy thị trường đang vận động lành mạnh.
Chứng khoán Agriseco dự báo, xu hướng chung của thị trường sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp đạt mức tăng hai con số. Theo ước tính sơ bộ, GDP quý II/2025 của Việt Nam có thể tăng 7,5 - 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Các chỉ số khác như FDI, giải ngân, doanh số bán lẻ và sản xuất PMI cũng duy trì xu hướng tích cực.
Thông tin kinh tế vĩ mô lạc quan giúp củng cố niềm tin thị trường, đồng thời củng cố triển vọng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn nội đang dần thay thế vai trò của khối ngoại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định lãi suất, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, phía Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tháo gỡ các điểm nghẽn thủ tục.
Mặt bằng lãi suất vay vốn thấp giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng dư địa lợi nhuận; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư cá nhân chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào kênh chứng khoán, thay vì gửi tiết kiệm.
Thị trường cũng đang hướng đến mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với nhiều kỳ vọng tích cực. Dự kiến, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ, đặc biệt ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu thực phẩm và xây dựng - vật liệu.
Các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách mở rộng đầu tư công, nhu cầu tiêu dùng phục hồi và ổn định tỷ giá trong quý II sẽ là điểm sáng nổi bật. Sự phân hóa về kết quả kinh doanh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu theo hướng "đi trước báo cáo".
Dù bức tranh thị trường tháng 7 có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi chặt các yếu tố rủi ro như tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực từ chính sách tăng lãi suất của Mỹ và biến động quốc tế. Diễn biến tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu và doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ.
Dòng tiền luân chuyển đồng đều
Thị trường tăng trưởng đồng pha với dòng tiền cải thiện cho thấy đà tăng bền vững của thị trường. Trao đổi với phóng viên về chất lượng của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Bùi Văn Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư, Công ty cổ phần FIDT nhận định, đúng là thanh khoản thị trường đã tăng vọt. Giá trị giao dịch bình quân nhiều phiên gần đây đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên, mức cao nhất trong vòng vài năm. Quan trọng hơn, chất lượng dòng tiền lần này được đánh giá tích cực. Thanh khoản cao được phân bổ tương đối đều và luân chuyển giữa nhiều nhóm cổ phiếu, không tập trung quá mức vào một vài mã đầu cơ duy nhất. Dòng tiền “thông minh” tìm đến các cổ phiếu có câu chuyện riêng và nền tảng tốt, cho thấy nhà đầu tư hiện nay thận trọng và có chọn lọc hơn.
Về tính bền vững của dòng tiền, ông Huy cho rằng có cơ sở để lạc quan rằng dòng tiền hiện tại mang tính ổn định hơn so với các sóng tăng trước. Lãi suất giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào (thể hiện qua lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm sâu) cho thấy nguồn tiền trong nước còn dư địa lớn để tiếp tục chảy vào chứng khoán. Thêm nữa, kinh tế vĩ mô phục hồi làm tăng thu nhập và tiết kiệm của dân cư, một phần trong đó đang được phân bổ vào đầu tư cổ phiếu thay vì các kênh kém hấp dẫn khác. Dòng tiền mới cũng đến từ những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường sau giai đoạn trầm lắng 2022 - 2023 - lực lượng F0 này tuy mỏng kinh nghiệm nhưng góp phần gia tăng độ sâu thị trường. Về phía nhà đầu tư tổ chức, nhiều quỹ đầu tư và đội tự doanh công ty chứng khoán cũng đang hoạt động tích cực hơn nhờ kỳ vọng thị trường dài hạn khả quan./.