Chất lượng không khí Hà Nội: Đổi màu có gì bất thường?

Chất lượng không khí Hà Nội ngày 4/2 đã có chuyển biến tích cực khi phần lớn khu vực nằm ở ngưỡng màu vàng với chỉ số AQI từ 54-100, một số điểm còn chuyển màu xanh.

Bụi và khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ảnh Quang Vinh.

Bụi và khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ảnh Quang Vinh.

Một số ý kiến cho rằng, chất lượng không khí cải thiện là do phương tiện lưu thông giảm, dẫn đến nguồn thải từ xe máy, ôtô giảm. Tuy nhiên, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch ở Việt Nam cho rằng, đó chỉ là một phần nhỏ.

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, chất lượng không khí ngày 4/2 đã cải thiện hơn khi phần lớn các điểm trên địa bàn Thủ đô đều nằm ở ngưỡng màu vàng (trung bình) với chỉ số AQI là xấp xỉ 100. Trong số 35 điểm đặt máy đo AQI, 6 điểm cho kết quả nằm ở biên độ cam (kém), 25 điểm màu vàng và đặc biệt, 4 điểm nằm ở ngưỡng màu xanh (tốt).

Thực tế thời gian gần đây chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn mức xấu và rất xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Gần nhất, ngày 1/2, chỉ số AQI dao động từ 133-165, nơi cao nhất là khu vực Phạm Văn Đồng, Minh Khai (165), Hàng Đậu (162), Thành Công (160…). Đặc biệt, sương mù xuất hiện dày đặc làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải càng làm không khí ngột ngạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.

Trao đổi với PV Đại Đoàn kết về sự chuyển biến tích cực trong ngày 4/2, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết. Khi tốc độ gió, hướng gió tăng đến một mức nào đó, nồng độ ô nhiễm sẽ giảm. Có thể khẳng định yếu tố thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng không khí. Khi gió lặng, nghịch nhiệt, bụi và sương mùi không khuếch tán, không bay lên cao, lưu cữu luẩn quẩn ở tầng thấp sẽ gây ô nhiễm. Nếu tốc độ gió tăng, nồng độ ô nhiễm sẽ giảm.

Nói về giải pháp để cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô, ông Tùng cho rằng chỉ có thể giảm dần nhưng các giải pháp thì phải thực hiện ngay. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Các thành phố trên thế giới đã làm rất lâu rồi, nếu chúng ta càng để lâu, càng lúng túng vì phương tiện càng tăng. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế. Khói bụi từ các công trình xây dựng cũng phải được kiểm soát. “Theo tôi, cần buộc các cơ sở này lắp camera, truyền số liệu về cơ quan quản lý như đang làm với giao thông”- ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng, người dân Hà Nội sẽ ủng hộ các giải pháp này.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Hà Nội và TP HCM cần điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm không khí. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, hạn chế phát tán bụi, thu gom rác triệt để, bụi bẩn trên các trục, tuyến đường giao thông. Hai thành phố này cũng được đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra các dự án, công trình xây dựng, giao thông, yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải bụi.

Ðại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra dự báo: Từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Theo nghiên cứu và công bố từ Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch cũng như tỷ lệ đột quỵ não, chiếm khoảng 25% các trường hợp. Đặc biệt, đây cũng nguyên nhân hình thành và làm trầm trọng thêm một số bệnh như hen suyễn, ung thư phổi; tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng tâm lý, tự kỷ và dễ gây cáu gắt.

Trong năm 2021, TP Hà Nội dự kiến sẽ đẩy mạnh thực hiện việc kiểm kê nguồn thải, ứng dụng các mô hình khác nhau nhằm xác định các nguồn ô nhiễm chính, trên cơ sở đó, thực hiện giải pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội sẽ phối hợp với một số đơn vị, tổ chức nhằm đánh giá phát thải của xe máy để đề xuất những chính sách cho giao thông bền vững.

Việt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chat-luong-khong-khi-ha-noi-doi-mau-co-gi-bat-thuong-552473.html