Chất lượng không khí tồi tệ ở Hà Nội còn kéo dài tới bao giờ?
Hơn nửa tháng qua, chất lượng không khí Hà Nội luôn ở mức tồi tệ, tình trạng này bao giờ mới kết thúc?
Theo các chuyên gia, Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ 13/9 tới nay. Ngay trong sáng nay (29/9), chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được từ các trạm quan trắc ở Hà Nội cũng ở mức kém từ 131 tới 174, ngưỡng gây hại sức khỏe đối với nhóm người nhạy cảm như mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, người già và trẻ em...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: “Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí còn có thể còn kéo dài. Ban ngày thì giảm vì nhiệt độ cao, làm bốc ôn lên nhưng chỉ ở tầng thấp. Ban đêm nhiệt độ mặt đất giảm, bụi tích tụ trên cao lại sà xuống. Phải đợi khi nào có gió lớn mới làm tan được khối không khí ô nhiễm đang tích tụ ở tầng thấp”.
Cũng theo ông Tùng, Hà Nội cần một trận mưa giông diện rộng hoặc gió mùa mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay.
Tuy nhiên, bản tin dự báo thời tiết khu vực Hà Nội của cơ quan khí tượng cho biết, tình trạng không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, ngày nắng sẽ còn kéo dài từ nay (29/9) tới 8/10.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Ngọc Sơn, Phó phòng Tổng hợp, Chi cục Môi trường Hà Nội cho biết ngoài nguyên nhân quá trình đô thị hóa, mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn…còn bởi đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.
“Trong những ngày vừa qua, đêm và ngày không có mưa, lặng gió, hướng gió không cụ thể, ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù thấp bao phủ toàn Thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Mặt khác, rõ ràng tốc độ gió thấp cũng dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm. Do đó,không khí không thể thoát lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi”, ông Sơn phân tích.