Chất lượng là 'chìa khóa' để nông sản Đồng bằng sông Cửu Long ổn định đầu ra
Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục gặp khó về đầu ra. Để tránh tình trạng này, bên cạnh việc đảm bảo về nguồn cung, sản lượng doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa 'trước sau như một'.
Là những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Đầu ra cho nông sản các tỉnh ĐBSCL” và Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc”, diễn ra ngày 9/11 tại Vĩnh Long. Đây là chương trình thuộc đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Nhiều nông sản không có đầu ra
Theo ông Bùi Văn Chiều - Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, đầu ra nông sản địa phương cũng như nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tiếp diễn ra. Nguyên nhân là do nông dân làm nông nghiệp truyền thống, nên hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết chặt chẽ về vấn đề bao tiêu sản phẩm. Điển hình như sản phẩm cam Trà Ôn. Hiện Trà Ôn có khoảng 4.000 ha cam, mặc dù đã có hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa có mà chỉ giao cho thương lái “nay bán giá này, mai bán giá khác”. Trong khi đó, chi phí sản xuất cao khiến người nông dân không an tâm sản xuất.
Không chỉ cam, mà hàng loạt sản phẩm khác như khoai lang Bình Tân, bưởi da xanh Mỹ Hòa, chôm chôm của HTX Bình Hòa Phước cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết, mặc dù sản phẩm của HTX này đã đạt được các chứng chỉ về VietGAP, Global GAP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa… nhưng hiện đầu ra sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn.
Điều này được các HTX lý giải là do người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là sản phẩm thường thông qua cảm quan. Trong khi đó, với kênh siêu thị họ phân biệt thông qua mã code song việc kiểm tra thông qua những mã code này cũng không chính xác. Đó là chưa kể, ở kênh siêu thị thời gian công nợ kéo dài, người dân không có nguồn vốn để quay vòng sản xuất.
Cần đảm bảo hàng hóa “trước sau như một”
Để đảm bảo đầu ra cho nông sản được ổn định và bền vững, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc doạn nghiệp tư nhân Tứ Sơn (An Giang) lưu ý, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm “trước sau như một”. Thực tế, từ một số chương trình kết nối giao thương, hàng mẫu rất tốt, song khi giao thương thì chất lượng sản phẩm lại không đạt “Các đơn vị bán hàng về Châu Đốc, An Giang đồng nghĩa với việc bán cho thị trường Campuchia. Với người tiêu dùng tại thị trường này, khi đã quen sản phẩm thì họ sẽ tiếp tục quay lại. Nếu chất lượng thay đổi thì người tiêu dùng sẽ không quay lại nữa”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều doanh nghiệp phân phối khác cũng cho biết, để hàng nông sản rộng đường vào các kênh bán lẻ hiện đại và tạo được niềm tin của khách hàng thì yếu tố chất lượng là quan trọng hàng đầu. Các đơn vị sản xuất cần lưu ý, chào hàng gì phải bán đúng hàng đó và giữ ổn định nếu không khó mà trụ được lâu dài.
Cùng với đó việc kết nối cung- cầu giữa các tỉnh ĐBSCL với những địa phương khác cũng rất quan trọng. Bởi thông qua đó, doanh nghiệp sản xuất sẽ cọ sát với nhà phân phối, hiểu được rõ hơn nhu cầu của thị trường, từ đó có hướng sản xuất hợp lý.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết: Thời gian qua việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 đang gây đứt gãy rất nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Chính vì thế nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương trên cả nước, nhất là cho vùng ĐBSCL đã được ngành Công Thương tổ chức. Thông qua đó, rất nhiều nhà phân phối, bán lẻ đã quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn ngay tại Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc” ngày 9/11 này, các doanh nghiệp đã ký 26 bản ghi nhớ nhằm kết nối cung cầu hàng Việt Nam với các sản phẩm giữa các vùng miền trong cả nước.
Cũng theo bà Lê Việt Nga để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, từ nay đến cuối năm ngành Công Thương sẽ tiếp tục có những chương trình kết nối cung cầu bình ổn thị trường cho dịp Tết Nguyên đán.