Chất lượng là 'rào cản' nông sản, thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn chưa thể có chỗ đứng tại thị trường quốc tế. Vấn đề không chỉ ở hệ thống cung cấp, công nghiệp hỗ trợ, mà còn là thành phần khoa học - công nghệ trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, Bộ Công Thương có 2 chương trình lớn hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm (CNTP) phát triển gồm: Chương trình Thương hiệu quốc gia và Food of Viet Nam. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm cơ hội xuất khẩu (XK).

Vải thiều Bắc Giang đã đạt được một số thành công ban đầu khi có sự chuẩn bị và vào cuộc từ địa phương, bộ ngành, người dân và doanh nghiệp.

Vải thiều Bắc Giang đã đạt được một số thành công ban đầu khi có sự chuẩn bị và vào cuộc từ địa phương, bộ ngành, người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam 2021 diễn ra gần đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành CNTP đạt mức tăng trưởng bình quân trên 7%/ năm, cao hơn mức tăng GDP và chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch XK cả nước. Cùng với nhiều FTA thế hệ mới đi vào thực thi, nông sản, thực phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thậm chí lên tới 0% ở nhiều thị trường XK lớn đã mang lại ưu thế cạnh tranh lớn.

Tuy nhiên, thực tế, sản phẩm của ngành CNTP Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại nước ngoài, thậm chí ngay cả với những thị trường Việt Nam có FTA. Nguyên nhân chung được đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chỉ ra là: Lạm phát, giá tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu. Mặt khác là sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào cản về kỹ thuật môi trường, lao động. Trong đó, sự cạnh tranh mặt hàng cùng chủng loại đến từ các nước khác luôn gay gắt. Đó là chưa kể khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao và các biện pháp phòng vệ thương mại tại nước sở tại…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông sản, thực phẩm Việt Nam khó quản lý ngay từ khâu sản xuất, trùng lặp sản phẩm. Cùng đó, công nghệ bảo quản chưa phát triển cũng khiến sản phẩm không giữ được chất lượng khi XK sang các thị trường có khoảng cách địa lý xa.

Để nâng cao giá trị cũng như sự hiện diện nông sản, thực phẩm Việt Nam tại các thị trường XK, cần nhìn nhận và giải quyết 5 vấn đề: Kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ, xu hướng tiêu dùng và thể chế. Nếu nhìn chế biến nông sản và thực phẩm là một loại hình dịch vụ, Việt Nam còn thiếu nhiều thị trường, như: Khoa học - công nghệ (giám sát chất lượng, kiểm soát hóa chất công nghiệp chế biến thực phẩm...), công nghiệp hỗ trợ (bao bì, đóng gói...), logistics (vận chuyển, kho bãi, bảo quản...). Chỉ khi phát triển được các thị trường, dịch vụ chế biến nông sản thực phẩm mới có điều kiện thuận lợi phát triển...

Bày tỏ quan điểm về giải pháp tăng giá trị XK cho sản phẩm của ngành CNTP, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - nhấn mạnh: Chế biến sâu, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ cho mặt hàng nông sản là yếu tố then chốt. Việc đăng ký bảo hộ và chỉ dẫn địa lý trong nước tương đối dễ, nhưng rất khó với thị trường nước ngoài. DN không được tư vấn, hỗ trợ từ các tổ chức chuyên nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó, đăng ký chỉ dẫn địa lý đã khó nhưng quản lý và sử dụng hiệu quả các đăng ký còn khó hơn rất nhiều.

Cho đến nay, ngoài vải thiều thì mới chỉ có thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Cho đến nay, ngoài vải thiều thì mới chỉ có thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

DN phải luôn nỗ lực đảm bảo các quy định về vùng trồng theo chỉ dẫn, ổn định chất lượng sản phẩm. Các địa phương nên rà soát sản phẩm đặc trưng, có danh tiếng để bảo hộ, đồng thời phối hợp với cơ quan liên quan xác định thị trường trọng điểm và tiến hành đăng ký bảo hộ tại thị trường đó.

"Để sản phẩm CNTP tiến chắc ra thị trường nước ngoài, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của các bộ, ngành quảng bá sản phẩm, tăng hàm lượng chế biến, xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm, phát triển nguồn nguyên liệu sạch" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, để ngành CNTP có thể phát triển, sản phẩm từ nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường quốc tế không chỉ nỗ lực từ phía doanh nghiệp mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành. Đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chiến lược, quy hoạch cụ thể cho từng địa phương, loại bỏ tư tưởng quản lý nhà nước thay bằng sự hỗ trợ và chứng tỏ sự cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chat-luong-la-rao-can-nong-san-thuc-pham-xuat-khau-ra-nuoc-ngoai-635741.html