Chất lượng nông-lâm sản và thủy sản Gia Lai khó kiểm soát
Thời gian qua, việc lấy mẫu nông sản, thực phẩm để kiểm tra, giám sát dư lượng hóa chất tồn dư đã được cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện nhằm góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 6 và tháng 7-2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã tiến hành lấy 77 mẫu thịt heo, 34 mẫu giò chả, 30 mẫu măng tươi luộc, 435 mẫu rau củ quả tại 12 huyện, thị xã, thành phố cùng 10 mẫu cà phê, 10 mẫu hồ tiêu tại TP. Pleiku và 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh để kiểm tra, giám sát dư lượng hóa chất tồn dư. Qua phân tích, cơ quan chuyên môn đã phát hiện có 6 mẫu giờ chả lấy trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai và Phú Thiện có sử dụng hàn the (chiếm 17,6%); 16 mẫu rau củ quả và 2 mẫu hồ tiêu tại huyện Chư Sê và Chư Pưh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định tại Thông tư số 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế; 8 mẫu thịt heo có thuốc kháng sinh Sulfadimidine nhưng nằm trong giới hạn cho phép quy định mức tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả phân tích các mẫu nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ mẫu có dư lượng hóa chất tồn dư năm nay tăng so với năm 2017. Cụ thể, năm 2017, chỉ có 2,9% mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép thì năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 3,67% (năm 2018, các mẫu đều đảm bảo an toàn). Tỷ lệ mẫu giò chả bị phát hiện sử dụng hàn the vẫn còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép trên 2 mẫu hồ tiêu là nỗi lo của cơ quan chuyên môn và các địa phương.
Trước tình hình đó, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1855/SNNPTNT-QLCLNLSTS đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong việc đảm bảo thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc kháng sinh lần cuối trong chăn nuôi đến khi xuất bán; không sử dụng hóa chất, chất hỗ trợ chế biến nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, các địa phương khẩn trương thông báo tới cơ sở có mẫu giám sát bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản-cho biết: Công tác quản lý chất lượng nông-lâm sản, thủy sản được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hàng năm nhằm đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua phân tích, tỷ lệ mẫu nông sản, thực phẩm tồn dư hóa chất còn cao. Theo ông Toàn, khó khăn hiện nay là phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thống kê, tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về sản xuất an toàn chưa đạt yêu cầu. “Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng nông-lâm sản, thủy sản. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định; không sử dụng hàn the trong chế biến giò chả. Ngoài ra, Chi cục sẽ tăng cường thanh-kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… để kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm”-ông Toàn nhấn mạnh.