Chất lượng sống thay đổi nhanh

Sau 46 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, trên mảnh đất mang tên Bác Hồ kính yêu đã có sự thay đổi to lớn

TP HCM hôm nay là đô thị lớn nhất nước, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu và hội nhập quốc tế. Những nỗ lực, cố gắng cho sự phát triển của TP luôn hướng đến mục tiêu vì sự hạnh phúc của nhân dân.

Thu nhập thay đổi nhanh

Sau năm 1975, cả nước bước vào chặng đường mới, đầy hân hoan nhưng cũng lắm chông gai. Cái cần giải quyết của chính quyền TP HCM là cùng tập trung kiến thiết đất nước, vừa bảo đảm việc làm, ổn định cuộc sống của người dân.

Thu nhập của người dân những năm đầu giải phóng đạt khoảng 360 USD/người/năm, đến trước Đổi mới (1986) đạt khoảng 440 USD/người/năm. Việt Nam đã đi từ quốc gia nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2000 đạt xấp xỉ 400 USD/người/năm, trong khi đó mức thu nhập của người dân TP HCM gấp 2,5 lần so với cả nước, đạt trên 1.000 USD/người/năm.

Để bảo đảm đời sống người dân, kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện phong trào "Tương thân tương trợ", sau này thành chương trình "Xóa đói, giảm nghèo" và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững.

TP HCM hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công; đã thực hiện thành công chỉ tiêu đến năm 2020 đưa thu nhập hộ nghèo tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011. Hiện nay, TP HCM đang triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mức chuẩn nghèo dưới 36 triệu đồng/người/năm và cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người từ trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm.

Đời sống tinh thần phong phú

Đời sống văn hóa và mức hưởng thụ văn hóa - tinh thần của người dân TP HCM được đáp ứng ngày càng phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh mới, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Chuẩn mực đạo đức, văn hóa mới được hình thành. Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; các phong trào, hoạt động văn hóa quần chúng đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực. Xã hội hóa hoạt động văn hóa tiếp tục được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa thêm phong phú. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy tác dụng.

Các hoạt động văn hóa vừa bảo đảm công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa của cư dân, phục vụ phát triển kinh tế du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người TP đến du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, TP HCM có 8 đơn vị nghệ thuật công lập và khoảng 700 đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trong đó có khoảng 300 đơn vị thường xuyên tổ chức biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc, sân khấu, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, phòng trà ca nhạc… Bình quân mỗi năm ngành văn hóa cấp khoảng 1.200 giấy phép các loại, trong đó có 400 - 500 chương trình biểu diễn ca múa nhạc thời trang và sân khấu với hình thức: phục vụ nhiệm vụ chính trị, chương trình từ thiện, chương trình mang tính thương mại, chương trình phục vụ tôn giáo…

Các cặp đôi hạnh phúc trong lễ cưới tập thể dành cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn diễn ra tại quận Bình Tân, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các cặp đôi hạnh phúc trong lễ cưới tập thể dành cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn diễn ra tại quận Bình Tân, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hoạt động sân khấu, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh thay đổi đáp ứng nhu cầu của đối tượng khán giả khác nhau. Rạp chiếu phim điện ảnh Việt Nam là hiện tượng của các phòng vé thu hút khán giả, đạt những kỷ lục trong doanh thu phòng vé, đã thành địa chỉ văn hóa, nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân đô thị.

Các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật tiếp nhận cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ và người dân được tiếp cận với sự đa màu sắc trong nhu cầu hưởng thụ. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã đến với công chúng như nghệ sĩ piano Richard Clayderman người Pháp, dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia… Các nghệ sĩ trẻ quốc tế cũng đã từng đến TP lưu diễn, đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng.

Người dân và du khách cũng dần quen với các món ăn tinh thần từ các chương trình nghệ thuật có chất lượng như À Ố show, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, chương trình nghệ thuật chào đón năm mới (countdown). Các không gian văn hóa công cộng phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện là điểm hẹn của mọi người hằng đêm, cuối tuần…

Chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, để đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao đã được phản ánh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để hiện thực hóa tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử, các cấp lãnh đạo, chính quyền và nhân dân TP HCM đặt mục tiêu hướng đến năm 2045 "trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu".

Thời gian qua, TP HCM đã đạt những thành công trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, hình thành bộ mặt đô thị mới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng và phát triển cũng đặt ra các vấn đề cho sự phát triển đô thị bền vững. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa đồng bộ và bắt kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ; quy mô dân số tăng nhanh, sức ép của lao động nhập cư và vấn đề đô thị hóa; tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự đô thị; hệ thống an sinh xã hội bị quá tải; công tác quản lý đô thị còn hạn chế…

Đồ họa: VƯƠNG FƯƠNG ANH

Đồ họa: VƯƠNG FƯƠNG ANH

Để hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững, là nơi có chất lượng sống tốt, TP HCM phải đầu tư phát triển đồng bộ kinh tế, giáo dục, văn hóa, quản lý đô thị. Kinh tế cần có sự chuyển biến mạnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, cần xây dựng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của khoa học công nghệ và thích ứng với sự hội nhập.

Đô thị TP HCM đang chịu áp lực lớn từ phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ xã hội chưa hiện đại, đồng bộ, quá tải. Sự bất cập này cần được tháo gỡ từ tăng ngân sách đầu tư và sự điều tiết trong đầu tư phát triển.

Quan tâm và đầu tư thích đáng cho giáo dục, văn hóa để xây dựng một thế hệ cư dân TP văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, tự tin là công dân thời đại toàn cầu hóa. Để đến năm 2045 có một thế hệ trẻ bước vào tuổi thanh niên tự hào với một Việt Nam hùng cường thì phải giáo dục tạo nền tảng tri thức, nhân cách, lối sống, đạo đức và tư duy dám nghĩ dám làm cho lớp trẻ ngay hôm nay. Muốn phát huy giá trị nhân văn, cốt cách văn hóa dân tộc, hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, tác động của văn hóa bên ngoài cần phải đầu tư cho văn hóa. Nền tảng văn hóa luôn hướng đến chân - thiện - mỹ, đẩy lùi tệ nạn xã hội và hướng đến xây dựng một xã hội hiện đại, giàu tính nhân văn.

Hàng loạt công trình văn hóa được xây dựng

TP HCM đang tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình văn hóa. Các dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch, Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng, khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi đa năng, Trung tâm Văn hóa TP, Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc... được thực hiện và hoàn thành trong tương lai sẽ nâng cao hơn nữa nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Các thiết chế văn hóa đa năng, hiện đại này được hình thành phù hợp với xu thế, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và đáp ứng yêu cầu xây dựng TP phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

ThS Trần Văn Phương (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chat-luong-song-thay-doi-nhanh-20210428220326824.htm