Chất lượng tư vấn quy hoạch mang tính quyết định

Từ những bất cập trong công tác lựa chọn tư vấn lập quy hoạch thời gian qua, trong phiên giám sát tối cao của Quốc hội chiều nay, 30.5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan liên quan về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê được tư vấn lập quy hoạch thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Chưa có quy định cụ thể về tư vấn lập quy hoạch

Về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nêu rõ, theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát và tình hình triển khai thực tế tại các địa phương cho thấy, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập kế hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu hiện nay rất khó khăn và bất cập do các yêu cầu đặt ra đối với đơn vị tư vấn rất cao. Trong khi đó, số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được các yêu cầu không nhiều. Mặt khác, hiện nay chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch.

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, thực tế triển khai cũng cho thấy việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải lúc nào cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Nhấn mạnh vai trò của tư vấn lập quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) so sánh, tương tự như vai trò của kiến trúc sư đối với một công trình kiến trúc, có thể khẳng định chất lượng tư vấn là một trong những nhân tố quan trọng nhất và quyết định nhất đối với chất lượng của quy hoạch. “Tuy vậy, trên thực tế, mặc dù quy định về lựa chọn tư vấn đã được nêu tại Điều 17 của Luật Quy hoạch và Điều 4 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch nhưng phần lớn các quy hoạch được lập lần này đều là lần đầu nên việc áp dụng các quy định nêu trên gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Để việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác quy hoạch trong thời gian tới đạt được hiệu quả, ĐB Nguyễn Quốc Luận kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch.

Cùng với đó, cần ban hành đầy đủ các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch. Khi đã ban hành đầy đủ các quy định về điều kiện năng lực của tư vấn lập quy hoạch và hệ thống định mức, đơn giá lập quy hoạch thì không cần phải áp dụng phương thức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mà xem xét điều chỉnh theo hướng cho phép các bộ, ngành, địa phương được chỉ định thầu hoặc thi tuyển để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch như đã áp dụng với tư vấn lập quy hoạch xây dựng thời gian qua để đẩy nhanh tiến độ thực viện và tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, trong bối cảnh nước ta đang rất thiếu các đơn vị tư vấn đủ khả năng đối với một số quy hoạch then chốt, quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng hoặc một số đô thị lớn thì Chính phủ cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan liên quan về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê được các tư vấn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước thực trạng các quy hoạch đang được triển khai chậm, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần đặt mục tiêu chất lượng các quy hoạch lên hàng đầu hơn là chạy theo tiến độ, thay vì dàn hàng ngang để 104 quy hoạch còn lại cùng về đích vào thời điểm 31.12.2022 như dự kiến hiện nay thì cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất, đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác như: quy hoạch tổng thể quốc gia; các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam, nhất là các nước có thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia giống như nước ta. Năm 2015 Liên Hợp Quốc đã ban hành bộ hướng dẫn quốc tế về quy hoạch vùng lãnh thổ và quy hoạch đô thị, trong đó cũng khuyến cáo các nước nên tập trung vào hai loại quy hoạch này gắn với bốn xu hướng quan trọng trong việc thiết lập các quy hoạch là tăng trưởng kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu, suy giảm về tài nguyên, phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

"Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan cung cấp các danh sách tư vấn có nhiều kinh nghiệm, đã thực hiện các tư vấn quy hoạch tương tự và được đánh giá cao ở nước ngoài, phối hợp liên doanh với các đơn vị tư vấn hàng đầu của Việt Nam theo từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí là mời họ tham gia đề xuất các phương án quy hoạch để lựa chọn được phương án tối ưu nhất", ĐB Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chat-luong-tu-van-quy-hoach-mang-tinh-quyet-dinh-i290791/