Chát mặn nghề 'cướp nắng với trời'

Từ bao đời nay, diêm dân các làng muối tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) miệt mài 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' trên các ô nại. Trời càng nắng, diêm dân đổ ra đồng càng đông. Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc diêm dân tranh thủ thời gian 'cướp nắng với trời' với mong mỏi chắt chiu được thêm vài ba lạng muối trong ngày.

Làm muối tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

Làm muối tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

“Cướp nắng với ông trời”

Mặc cho cái nắng và gió Lào phả vào rát mặt, ông Lê Doãn Sơn (thôn Yên Thọ, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) vẫn miệt mài thu hoạch thành quả sau một ngày lao động vất vả trên các ô muối. Gia đình ông Sơn có 3 sào muối với 15 ô nại. Đây cũng là kế sinh nhai nuôi sống vợ chồng ông và đứa cháu nội qua ngày. Một ngày, vợ chồng ông đều bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng đến lúc chiều tối. Công đoạn làm muối nghe chừng rất dễ, nhưng để làm ra được một hạt muối thì công đoạn nào cũng vất vả, mất sức như ngâm cát, lọc nước, trang đất...

Phải chờ đợi đến trưa, khi những ánh nắng gay gắt của mặt trời kết tinh từng hạt muối trên những ô nại, người ta bắt đầu cào thành từng đống nhỏ, trắng xóa. Nắng càng gắt, hạt muối kết tinh càng nhiều, đây cũng là thời điểm diêm dân tranh thủ thu hoạch muối. Cứ liên tiếp hết đống này đến đống khác, mặc gió Lào và cái nắng miền Trung phả vào mặt, diêm dân tại đây vẫn lầm lũi cào muối thành gò nhỏ để phơi khô. Quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bà Ngô Thị Hạnh (xã Hộ Độ) cho biết: “Trong suốt thời gian mùa vụ, mỗi ngày nhà tôi chỉ có thể nghỉ ngơi được chừng hơn một tiếng đồng hồ, còn lại luôn thấp thỏm canh nắng, canh mưa, túc trực ngoài ruộng”. Và khi hoàng hôn buông xuống, diêm dân tiếp tục gánh những hạt muối trên lưng, đưa về những cơ sở chế biến muối sạch. Thành quả sau một ngày làm việc dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, thu nhập của họ được khoảng 100.000 đồng/người.

Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua, những thúng muối sau khi được thu hoạch không được đưa về kho vì không còn chỗ đựng. Muối được bỏ ngay trên các ruộng muối vì không bán được. “Thứ gì thì còn cần người trông coi, chứ muối giờ rẻ, cho họ còn không lấy chứ nói gì đến trộm” - Vừa lấy bạt phủ lên những thúng muối vừa thu hoạch, ông Sơn vừa chua chát nói.

Đó là thực trạng đáng buồn cho nghề muối ở huyện Lộc Hà trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi diêm dân phải bỏ sức lấy công làm lãi thì đầu ra không có, dù muối rớt giá vẫn không có nơi tiêu thụ. Theo những diêm dân tại đây, sự xuất hiện của nhiều loại gia vị phụ gia khác trên thị trường khiến nghề làm muối và sản phẩm muối cứ thế lao đao. Dù nai lưng cả ngày với trời, nhưng 1kg muối làm ra có khi chẳng đủ để mua một ổ bánh mỳ. Cũng chính vì vậy, khoảng 5 năm nay, những ruộng muối bị bỏ hoang tại các làng muối huyện Lộc Hà ngày càng nhiều.

Làng nghề truyền thống 60 năm điêu đứng vì giá rẻ mạt

Đang chính vụ sản xuất nhưng vựa muối ở Lộc Hà chỉ có khoảng 10,5% tổng quỹ đất làm muối được sản xuất. Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn huyện Lộc Hà có tổng 197ha đất sản xuất diêm nghiệp. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, số diện tích này đang dần bị bỏ hoang, một số khác đã và đang được quy hoạch để chuyển đổi sang mục đích khác, chỉ rất ít diện tích được sản xuất. Số diện tích đất còn sản xuất từ lâu không được đầu tư, làm manh mún.

Xã Hộ Độ là một trong những vùng muối truyền thống lâu đời tại huyện Lộc Hà. Nghề muối xuất hiện tại đây đã gần 60 năm. Toàn xã có hơn 1.900 hộ với khoảng 8.000 dân, tuy nhiên, số hộ làm muối đến năm 2020 chỉ còn khoảng 29 hộ. Các ô muối bị bỏ hoang quá nửa, phần bị hư hỏng, phần còn lại cỏ mọc um tùm.

Làng muối Hộ Độ được hình thành cách đây gần 60 năm thì có 40 năm bà Ngô Thị Hạnh gắn bó với nghề. Dù vậy, cuộc sống của gia đình bà không khấm khá lên, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Sự khó khăn trong nghề khiến gia đình từng phải bỏ nghề đi lên thành phố, vào Nam ra Bắc xuôi ngược mưu sinh.

Cái nghề chủ yếu lấy công làm lãi này dù cực khổ là vậy, nhưng đã gần 5 năm nay, giá muối rớt thê thảm. Hiện nay, giá muối bán lẻ trên thị trường dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/yến. Nhưng trên thực tế, muối thu mua lại từ người dân chỉ vào khoảng 12.000 đồng/yến. Sau 5 tháng sản xuất, bà con cũng chỉ thu về được khoảng 10 triệu đồng. Cũng chính vì vậy, từ hơn 70% hộ dân làm muối, giờ toàn xã Hộ Độ chỉ còn 29 hộ tham gia sản xuất.

Ông Trương Bá Khanh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Chính quyền xã đã có các chính sách như: Trích ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án cải tạo đồng muối; hỗ trợ ngày công (mức 250.000 - 300.000 đồng/sào/vụ) nhằm khuyến khích sản xuất. Nhưng hiệu quả không cao, vấn đề đầu ra khó khăn vẫn là nguyên nhân chính khiến bà con không mặn mà với nghề làm muối”.

Do bấp bênh đầu ra, giá cả rẻ mạt nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề muối truyền thống để chuyển sang các ngành nghề khác. Ảnh: Hồ Phương

Do bấp bênh đầu ra, giá cả rẻ mạt nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề muối truyền thống để chuyển sang các ngành nghề khác. Ảnh: Hồ Phương

Còn tại xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà), hiện còn khoảng 100 hộ dân thôn Châu Hạ vẫn đang theo nghề làm muối truyền thống. Cán bộ xã cho biết, do tại đây vẫn chưa có cơ sở chế biến công nghiệp nào thu mua muối ổn định, đầu ra cho hạt muối vẫn phải chờ người dân thu mua để ướp thực phẩm, nấu ăn, bỏ ruộng... nên nghề muối của xã gặp rất nhiều khó khăn. Từ những vựa muối có tiếng trong và ngoài tỉnh, hiện nay, những làng muối tại huyện Lộc Hà đang dần thu hẹp diện tích. Những người bám trụ với nghề chủ yếu là người cao tuổi trong làng. Không thể làm nghề phụ khác nên họ đành “đèo bòng” với nghề truyền thống mặn chát này. “Thú thực là sức chúng tôi không biết làm được nghề gì khác, lên thành phố, người già họ không thuê, nên đành quay lại với ruộng muối kiếm đồng nào thêm đồng ấy. Với lại, cái nghề truyền thống nhìn nó mai một, chúng tôi cũng không đành. Chúng tôi chỉ mong có đầu ra nghề muối ổn định, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa gìn giữ nghề của cha ông” - Bà Phan Thị Thành (thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu) ngậm ngùi.

Năm 2020, huyện Lộc Hà kế hoạch sản xuất 24,2ha, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 20,6ha. Trong đó, xã Thạch Châu có 13,5ha (ước tính sản lượng khoảng 1.010 tấn); xã Hộ Độ 6,7ha (sản lượng 78 tấn) và xã Thạch Mỹ 0,35ha (sản lượng 4 tấn).

Hồ Phương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chat-man-nghe-cuop-nang-voi-troi-post432428.html