Chất quê trong truyện của Lê Đức Quang
Độc giả Báo Khánh Hòa rất quen thuộc với cái tên Lê Đức Quang bởi tên anh thường xuyên xuất hiện ở mục 'Truyện đọc 60 giây'. Truyện của anh được viết nhấn nhá, chậm rãi, theo kiểu có gì kể nấy, giọng văn đậm đặc chất quê với những ngôn từ dân dã tạo nên một phong cách riêng, không lẫn vào đâu được. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: «Truyện ngắn của Lê Đức Quang... giản dị đến mức không thể giản dị hơn... mà tác giả không cần một kỹ thuật viết nào cả. Nhưng cách viết này lại là một cách viết vô cùng khó khăn. Mỗi truyện ngắn chỉ cần và phải có một chi tiết mang tính 'ngòi nổ' là câu chuyện đã đi tới đích!».
Nhà văn Lê Đức Quang sinh năm 1977, nguyên quán Phú Yên, thường trú ở huyện Cam Lâm, hiện làm việc tại Tạp chí Nha Trang. Anh đã xuất bản một số tập truyện ngắn như: Vợ đẹp (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2007); Trò đời (Nhà xuất bản Văn học năm 2015).
Thật thế, truyện nào của Lê Đức Quang cũng “đi tới đích” vì anh biết tạo ra những “ngòi nổ” đắt giá. Bắt đầu chỉ là những câu chuyện dung dị, đời thường, tưởng như chẳng có gì để kể nhưng anh luôn biết tạo ra những cái kết bất ngờ, khiến cảm xúc chợt vỡ òa, như truyện Thất nghiệp chẳng hạn.
Không chỉ viết truyện mini, Lê Đức Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học đủ thể loại như: Truyện ngắn, bút ký, phóng sự, chân dung văn học... Hơn thế, anh còn sở hữu một số giải thưởng về văn học như: Giải nhì Báo Văn hóa đất mới, giải nhì cuộc thi truyện ngắn viết về Ninh Hòa, giải 3 cuộc thi bút ký của ngành công an và rất nhiều giải khuyến khích. Mùa thu năm 2017, Viện Goethe đã mời các nhà văn ở Việt Nam gửi một câu chuyện ngắn để chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở Việt Nam với độc giả Đức. Trong số hàng trăm bài thơ, câu chuyện rất ấm áp và cảm động ấy, 1 trong số 9 tác giả được chọn trao giải là Lê Đức Quang với truyện ngắn Mẹ quê.
Nhà văn Lê Đức Quang sinh ra và lớn lên ở Cam Lâm. Cuộc sống nghèo khổ của bản thân thời niên thiếu và những người xung quanh được anh tái hiện qua mảng đời của các nhân vật rất thực và sinh động. Cũng vì thế, phần lớn tác phẩm của anh viết về nông thôn và cuộc sống của những người dân nơi đó: Mẹ quê, Bố quê, Thư nhà, Ông già và quê hương... Đa phần các nhân vật trong tác phẩm của anh đều nghèo khó, lam lũ như: Chú bé đánh giày, em bán báo, chị bán vé số, bác thợ sửa khóa, anh nhà giáo, chú xe ôm... và những người phụ nữ, người vợ, người mẹ dung dị, tần tảo, suốt đời hy sinh vì chồng con. Dù ở thôn quê hay thành thị, dù cuộc sống bận rộn, đầy lo toan vất vả nhưng họ sống với nhau đầy ắp tình người.
Lê Đức Quang viết văn từ nhỏ. Truyện ngắn đầu tiên “Quê hương và kỷ niệm” anh viết khi 16 tuổi, được đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Điều đó tạo nên một cú hích để anh tiếp tục dấn thân vào con đường văn chương, cho ra đời hàng loạt tác phẩm khác. Đến nay, anh đã có gia tài gồm 60 truyện ngắn, 102 truyện mini, 20 chân dung văn học cùng nhiều phóng sự, bút ký, ký sự... Với bút lực ấy, tôi tin Lê Đức Quang sẽ còn gặt hái nhiều thành công mới trong thời gian tới.
Giao Thủy