Chất sử thi trong Đất Việt trời Nam liệt truyện

Sinh năm 1944 tại Long An, tác giả Trần Bảo Định bước vào văn đàn khá muộn. Tác phẩm đầu tiên của Trần Bảo Định ra mắt công chúng, lúc ông đã 70 tuổi. Thế nhưng, như nguồn năng lượng được tích lũy cả đời, Trần Bảo Định liên tục xuất bản 14 tác phẩm trong 1 thập niên qua. Bây giờ, ở tuổi 80, ông lại có Đất Việt trời Nam liệt truyện.

Đất Việt trời Nam liệt truyện gồm 3 cuốn, gọi là tập thượng, tập trung và tập hạ. Tổng cộng hơn 800 trang, Đất Việt trời Nam liệt truyện tái dựng dòng chảy thời gian từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi người dân Nam Bộ đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước đầu thế kỷ XX.

Tác giả Trần Bảo Định. Ảnh: CTV

Tác giả Trần Bảo Định. Ảnh: CTV

Phn ánh khí phách con ngưi phương Nam

Mang nhiều chất sử thi, Đất Việt trời Nam liệt truyện phản ánh khí phách con người phương Nam suốt chiều dài 300 năm khai hoang lập ấp và phát triển quê hương. Qua cách viết của tác giả Trần Bảo Định, phẩm chất con người Nam Bộ không giống chim phượng trong lý tưởng vương quyền mà là loài chim sẻ trên đồng ruộng nắng vàng, cũng không phải thần long uốn lượn trời xanh mà là con trùn vun bồi thổ nhưỡng.

Tác giả Trần Bảo Định dùng hình tượng “Đất nước” để dẫn nhập cho tác phẩm Đất Việt trời Nam liệt truyện. Nhắc nhớ 3 lần tuyên ngôn độc lập, với Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Trần Bảo Định gắn kết lịch sử vùng đất Nam Bộ với toàn bộ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, quá trình mở cõi chính là phần tiếp nối thống nhất và toàn vẹn trong bản trường ca anh hùng của giống nòi Lạc Hồng.

Áp dụng thủ pháp “liệt truyện”, nên tác phẩm của Trần Bảo Định tuân thủ kỹ thuật chương hồi. Tập thượng là hồi một “Từ năm 1620...” có 14 chương, tập trung là hồi hai “Từ năm 1859...” có 17 chương, tập hạ là hồi ba “Từ năm 1900...” cũng có 17 chương. Khi phản ánh giai đoạn lịch sử Đàng Trong và Nam Kỳ với công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam, bên cạnh cuộc thư hùng giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, tác giả Trần Bảo Định làm nổi bật trên nền lịch sử thời đại ấy là những người anh hùng đại diện cho ý chí và khí phách của những con người bình dân như Đỗ Thanh Nhơn, Lê Xuân Giác, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa... và hàng loạt anh hùng không tên tuổi. Có thể nói, Đất Việt trời Nam liệt truyện đan cài tinh tế những sợi chỉ đỏ phong tục tập quán, sinh hoạt nghệ thuật, đạo đức luân lý, nhận thức tư tưởng.

Xuyên suốt Đất Việt trời Nam liệt truyện, hình tượng nhân vật nữ chiếm vị trí đáng kể. Đó là công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa, hai bà vợ của Phan Thanh Giản, mẹ và vợ của Nguyễn Đình Chiểu, mẹ của Đỗ Trình Thoại, mẹ của Trần Xuân Hòa, cô Sáu Sanh, cô Hai Rái... Tất cả đều làm nổi bật vai trò người phụ nữ trong công cuộc mở mang bờ cõi và đấu tranh bảo vệ đất nước. Trên trang văn của tác giả Trần Bảo Định, người phụ nữ không hiện lên như phận liễu yếu đào tơ mà ngược lại, ngang tầm với các bậc trượng phu cùng chung vai sát cánh thu vén chuyện nước nhà. Do đó, trang văn của ông góp phần tôn vinh người phụ nữ Nam Bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Tác phẩm

Tác phẩm

Đất Việt trời Nam liệt truyện

tổng cộng 800 trang. Ảnh: CTV

Bn hùng ca ca nhng anh hùng bình dân

Dẫu trải qua từng biến thiên lịch sử với thách thức cam go, lực lượng trí thức vốn học tập và trưởng thành trong nền giáo dục khoa bảng của vương triều Nguyễn nhưng tâm hồn và tính cách của họ gắn chặt với người bình dân. Âu Dương Lân bỏ quan về với dân cứu nước, Đỗ Trình Thoại cùng 20 dũng sĩ đất Gò Công, Trần Xuân Hòa với Sáu cận vệ... cùng sát cánh với người dân chống giặc ngoại xâm là những hình tượng tuyệt đẹp tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn của người dân Nam Kỳ bấy giờ. Tác giả Trần Bảo Định tập trung mô tả hàng loạt hình tượng anh hùng bình dân lấy thân đền nợ nước như 20 dũng sĩ đất Gò Công, nghĩa sĩ Sáu Chóp Chài, má thằng Trợt và chú Năm với đôi trâu hào khí, Sáu cận vệ; lão Tám với thằng Nhanh... Và chính các anh hùng vô danh mới là chất liệu để truyền tụng thành “liệt truyện”.

Bên cạnh đấu tranh yêu nước, Đất Việt trời Nam liệt truyện khai thác việc phát triển nội lực kinh tế trong đời sống xã hội. Phong trào vận động Minh Tân với các tên tuổi như Trần Chánh Chiếu, Huỳnh Đình Điển, Lê Văn Cửu... được tái hiện một cách chân thực. Đây là giai đoạn lịch sử sôi động và biến đổi mau lẹ, cho thấy vận mệnh giống nòi đến lúc thực hiện bước nhảy vọt trên tiến trình đấu tranh chống ngoại xâm và giải phóng dân tộc.

Đất Việt trời Nam liệt truyện của tác giả Trần Bảo Định hấp dẫn độc giả ở cách lựa chọn và xây dựng tình tiết đem lại cảm xúc sâu lắng. Bà Hai trong câu chuyện Nồi cháo cá nửa đêm, vì cứu giúp hậu duệ Nguyễn vương mà lịm dần trong căn nhà rực cháy với tâm trí miên man tưởng nhớ hương quýt nồng nàn đầm ấm quê nhà. Hoặc cô Sáu Sanh trong câu chuyện Chiều tái giá đã thức trắng đêm cùng di ảnh chồng rồi bái lạy cho trọn nghĩa phu thê để đi về phía máu đổ đầu rơi.

Với bộ sách Đất Việt trời Nam liệt truyện, tác giả Trần Bảo Định mang lại góc nhìn riêng về lịch sử Nam Bộ, thông qua hai khái niệm triết học dân gian và sử học dân gian. Nổi bật trên nền sự kiện là các hình tượng anh hùng xuất thân từ bình dân và trọn đời gắn bó với người bình dân. Đất Việt trời Nam liệt truyện vì thế không phải bản anh hùng ca của một cá nhân, một dòng họ, một vương triều, mà là bản anh hùng ca của những con người thầm lặng đã sống trọn vẹn cùng cội nguồn, cùng quê hương.

Đất Việt trời Nam liệt truyện

không phải bản anh hùng ca của một cá nhân, một dòng họ, một vương triều, mà là bản anh hùng ca của những con người thầm lặng đã sống trọn vẹn cùng cội nguồn, cùng quê hương.

TÂM HUYỀN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320907/chat-su-thi-trong-dat-viet-troi-nam-liet-truyen.html