Chất tạo ngọt không chứa calo thay thế đường có tốt như bạn nghĩ?
Erythritol là chất tạo ngọt không chứa calo (zero-calorie) dùng để thay thế đường. Theo một nghiên cứu mới, lạm dụng chất tạo ngọt này có thể tăng nguy cơ cục máu đông, đột quỵ và đau tim ở người bệnh tim mạch, tiểu đường.
"Cấp độ nguy cơ không hề nhỏ", TS. Stanley Hazen (Giám đốc trung tâm chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tim mạch tại Viện nghiên cứu Cleveland Clinic Lerner) - tác giả dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho biết, theo phân tích dữ liệu ở những người bệnh tim mạch, tiểu đường tiềm ẩn nguy cơ biến chứng tim mạch, top 25% những người có hàm lượng Erythritol cao nhất trong máu tăng gấp đôi nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ so với top 25% có nồng độ Erythritol thấp nhất trong máu.
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí y học Nature Medicine.
Nghiên cứu bổ sung trong phòng thí nghiệm và động vật được trình bày trong bài báo tiết lộ rằng erythritol dường như khiến tiểu cầu trong máu đông lại dễ dàng hơn. Cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến tim, gây ra cơn đau tim hoặc đến não, gây ra đột quỵ.
TS. Andrew Freeman, Giám đốc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại bệnh viện National Jewish Health ở Denver cho biết: “Điều này chắc chắn là một hồi chuông báo động. Dường như có nguy cơ đông máu khi sử dụng erythritol. Rõ ràng là cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng để hết sức thận trọng, bạn nên hạn chế erythritol trong chế độ ăn uống của mình".
Đáp lại nghiên cứu, Hội đồng Kiểm soát Calo (một hiệp hội ngành) phản hồi với kênh truyền hình CNN rằng: “Kết quả của nghiên cứu này trái ngược với hàng thập kỷ nghiên cứu khoa học cho thấy các chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp như erythritol là an toàn, bằng chứng là các cơ quan quản lý toàn cầu đã cho phép sử dụng erythritol trong thực phẩm và đồ uống”. Ông Robert Rankin, giám đốc điều hành của hội đồng đã trả lời phỏng vấn CNN trong một email.
Ông cho biết thêm rằng: “Không nên ngoại suy các kết quả cho dân số nói chung, vì những người tham gia can thiệp đã có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch cao hơn".
Hiệp hội các nhà sản xuất Polyol châu Âu từ chối bình luận, nói rằng họ chưa xem xét nghiên cứu.
Erythritol là gì?
Giống như sorbitol và xylitol, erythritol là một loại carb tự nhiên trong nhiều loại trái cây và rau quả. Theo các chuyên gia, erythritol có khoảng 70% độ ngọt của đường và được coi là không chứa calo.
Được sản xuất nhân tạo với số lượng lớn, erythritol không có dư vị kéo dài, không làm tăng lượng đường trong máu và ít có tác dụng nhuận tràng hơn.
TS. Stanley Hazen, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: “Erythritol trông giống như đường, có vị như đường và còn có thể dùng để nướng bánh".
Erythritol được ưa chuộng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Đây là chất phụ gia cực kỳ phổ biến cho chế độ ăn kiêng keto cũng như những sản phẩm và thực phẩm low-carb khác được bán trên thị trường cho những người mắc bệnh tiểu đường.
"Một số thực phẩm được dán nhãn dành cho người bệnh tiểu đường mà chúng tôi đã xem xét có nhiều erythritol hơn bất kỳ mặt hàng nào khác tính theo trọng lượng”, TS. Hazen cho biết.
Phát hiện mối liên hệ giữa erythritol với các biến chứng tim mạch chỉ là tình cờ
Theo TS. Stanley Hazen, việc phát hiện ra mối liên hệ giữa erythritol với các vấn đề tim mạch là hoàn toàn tình cờ. Nghiên cứu chỉ nhằm mục tiêu đơn giản tìm ra các chất hoặc hợp chất chưa biết trong máu để dự đoán nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong của người dễ gặp phải biến chứng tim mạch trong vòng 3 năm tới. Do đó nhóm đã bắt đầu phân tích 1.157 mẫu máu của những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường được thu thập từ năm 2004 - 2011.
“Chúng tôi đã tìm thấy chất này dường như đóng một vai trò quan trọng, nhưng chúng tôi không biết nó là gì. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra đó là erythritol, một chất làm ngọt”.
Nhóm của TS. Hazen đã thử nghiệm một loạt mẫu máu khác từ hơn 2.100 người ở Mỹ và thêm 833 mẫu máu do các đồng nghiệp ở Châu Âu thu thập cho đến năm 2018. Khoảng 3/4 số người tham gia trong cả ba quần thể mắc bệnh mạch vành hoặc cao huyết áp và khoảng 1/5 mắc bệnh tiểu đường. Hơn một nửa là nam giới ở độ tuổi 60 và 70.
Trong cả ba quần thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ erythritol cao hơn có liên quan đến nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn trong vòng 3 năm.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thêm các thử nghiệm trên động vật và trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng erythritol “gây ra huyết khối tăng cường,” hoặc cục máu đông, TS. Hazen nói.
Giáo sư hóa học Oliver Jones tại Đại học RMIT ở Victoria, Australia lưu ý rằng nghiên cứu chỉ tiết lộ mối tương quan chứ không phải nguyên nhân.
GS. Oliver Jones, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Như chính các tác giả đã lưu ý, họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa erythritol và nguy cơ đông máu, nhưng không phải bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của mối liên hệ đó".
Trong phần cuối cùng của nghiên cứu, 8 tình nguyện viên khỏe mạnh đã uống một loại đồ uống có chứa 30 gram erythritol. Đây là hàm lượng mà nhiều người ở Mỹ tiêu thụ, theo Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ.
Xét nghiệm máu trong 3 ngày sau đó theo dõi mức độ erythritol và nguy cơ đông máu.
“30 gram là đủ để làm cho nồng độ erythritol trong máu tăng lên gấp nghìn lần. Nó vẫn tăng cao trên ngưỡng cần thiết để kích hoạt và tăng nguy cơ đông máu trong 2-3 ngày sau đó.”, TS. Hazen nói.