Chất thải nhuộm xanh dòng kênh, chính quyền xã bất lực

Chất thải từ xưởng giặt mài được xả thẳng ra dòng kênh thủy lợi khiến cả mặt kênh chuyển màu xanh lét, bốc mùi nhức mũi. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh tượng kinh hoàng trên là sự bình thản một cách ngạc nhiên của chính quyền địa phương.

Dòng kênh Thụy Đức bị nhuộm xanh bởi nước thải từ xưởng giặt mài quần áo bò (Video do phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi lại vào chiều 6/5/2024).

Xả thải giữa ban ngày

Trong thời gian qua, phóng viên Kinh tế & Đô thị liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng ô nhiễm môi trường do cụm nhà xưởng nằm gần kênh thủy lợi Thụy Đức, nơi giáp ranh của 3 huyện Quốc Oai, Phúc Thọ và Thạch Thất.

Những cơ sở sản xuất kinh doanh tại đây bị người dân “tố” thường xuyên xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng trên diễn ra từ rất nhiều năm qua nhưng không được các cấp chính quyền nơi đây xử lý dứt điểm.

Dòng kênh Thụy Đức bị nhuộm màu xanh thẫm, bốc mùi khó chịu.

Đặc biệt, chiều 6/5, chúng tôi nhận được thông tin của bạn đọc cho biết cụm nhà xưởng này đang xả nước thải trực tiếp ra kênh Thụy Đức khiến dòng kênh này bị nhuộm xanh. Điều đáng nói, đây là kênh thủy lợi phục vụ công tác tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta lúa và đất nông nghiệp của khu vực lân cận. Ngay lập tức, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để xác minh và không khỏi rùng mình trước những gì ghi nhận được.

Vừa đặt chân đến khu vực kênh Thụy Đức, đứng từ trên Tỉnh lộ 421B nhìn xuống có thể dễ dàng nhận thấy dòng nước dưới kênh loang lổ bất thường. Cầm máy ảnh tiến sát xuống dòng kênh, chúng tôi bị “đứng hình” mất mấy phút khi đập vào mắt là một màu xanh thẫm bao phủ khắp mặt kênh. Càng xuống gần mặt nước, mùi hóa chất càng bốc lên nồng nặc khiến tôi dù đã đeo khẩu trang rất cẩn thận cũng không tài nào thở được.

Phía bên kìa bờ kênh, nơi có cụm nhà xưởng xuất hiện 3 dòng nước chảy trực tiếp xuống kênh, trong đó hai dòng nước đục ngầu, nổi bọt trắng xóa, dòng còn lại có màu xanh thẫm, dù dòng chảy này bị che khuất bởi các bụi cây cỏ mọc um tùm nhưng màu nước bất thường vẫn giúp chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt thường. Đây chính là “thủ phạm” đang nhuộm độc cả dòng chảy của kênh Thụy Đức.

Dòng nước thải màu xanh được thải trực tiếp xuống kênh.

Để tìm ra đầu nguồn dòng nước thải này, chúng tôi tìm cách tiếp cận với khu nhà xưởng qua con đường mòn chạy dọc kênh Thụy Đức. Tại đây, xuất hiện một đường ống nhựa cỡ lớn nối trực tiếp từ một cơ sở giặt mài ra một con mương nhỏ rồi đổ thằng xuống kênh.

Đáng lo ngại ngay tại khu vực đầu nguồn xả thải, màu nước xanh đen, nổi bọt khí và bốc lên mùi hôi nồng nặc của hóa chất tẩy rửa. Từng mảng váng lớn màu xanh đen bám đầy xuống dưới đáy và hai bên mương nước, xen kẽ với đó là những mảnh vải vụn quần bò được quăng quật khắp nơi. Nhìn vào dấu tích con mương nước xả thải này có thể đoán định đã tồn tại từ rất lâu.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài mương nước xả nước thải màu xanh thẫm ra thẳng kênh Thụy Đức thì tại đây còn có một con mương khá lớn chạy dọc kênh và hướng thẳng ra khu đồng ruộng nằm phía sau cụm nhà xưởng. Với con mương này, trong trường hợp nguồn thải ra kênh Thụy Đức bị phát hiện, dòng nước thải màu xanh kia có thể dễ dàng chuyển hướng đổ ra nơi khác.

Mương nước sát cụm nhà xưởng nối thẳng ra cánh đồng gần đó.

Biết tường tận nhưng…kệ

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Thiên Mạch – Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho biết, cụm nhà xưởng gần kênh Thuy Đức có 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, trong đó 2 cơ sở thuộc địa phận xã Sài Sơn. “Hai cơ sở thuộc địa phận xã Sài Sơn thì một cơ sở thu gom phế liệu và một cơ sở giặt mài quần áo bò” – ông Nguyễn Thiên Mạch cho hay.

Khi phóng viên cung cấp hình ảnh về nguồn nước thải màu xanh thẫm đổ ra kênh Thụy Đức, ông Mạch xác nhận, nguồn thải này là của cơ sở giặt mài quần bò. Ông Mạch không nhớ chính xác tên cơ sở này là gì, chỉ biết chủ cơ sở này tên là Tuấn.

Theo ông Mạch, liên quan đến hoạt động của cụm nhà xưởng trên, vừa qua đoàn công tác của huyện Quốc Oai cũng mới về kiểm tra. “Phòng Tải nguyên- Môi trường huyện đã làm việc với các cơ sở ở đó và hạn trong 30 ngày sẽ xử lý” – ông Mạch nói. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi biện pháp xử lý cụ thể như thế nào thì lãnh đạo xã Sài Sơn lại nói rằng không nắm được.

Cận cảnh đầu nguồn dòng nước thải từ xưởng giặt mài quần áo bò thải ra kênh Thụy Đức.

Đặc biệt, khi nói về tình trạng xả thải ra kênh Thụy Đức của sơ sở giặt mài quần áo bò mà phóng viên vừa ghi nhận được, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn tỏ ra khá bình thản. “Chỗ này, trước chúng tôi đã khảo sát và biết nước thải chảy ra như thế nào rồi” – ông Mạch nói.

Dù khẳng định đã kiểm tra và biết rõ việc xả thải ra môi trường của cơ sở giặt mài kia nhưng khi phóng viên hỏi xã đã có văn bản nào gửi lên huyện và các cơ quan chức năng đề nghị xử phạt đối với cơ sở này chưa, ông Mạch cho biết xã mới chỉ họp với huyện về công tác phòng cháy chữa cháy cũng như vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp tại những cơ sở này.

“Huyện đang yêu cầu có văn bản đến các xã, cái nào do huyện quản lý thì sẽ phối hợp với công an huyện để xử lý còn cái nào của xã thì xã phải đề xuất phương án xử lý” – ông Mạch cho hay.

Dấu vết rãnh thoát nước nối từ cụm nhà xưởng đổ thẳng ra cánh đồng được lấp sơ sài, dấu vết còn rất mới.

Điều khá bất ngờ, khi phóng viên mô tả về đường đi của nguồn nước thải từ xưởng giặt mài ra ngoài kênh Thụy Đức, ông Mạch tỏ ra nắm bắt rất tường tận: “Chảy vào cái rãnh đúng không? Chỗ đường đi xuống kênh… Tôi xuống đấy trực tiếp rồi mà”. Khi phóng viên hỏi tại sao không báo cho Cảnh sát môi trường về xử phạt cơ sở này, ông Mạch nói: “Cảnh sát môi trường huyện chắc phạt rồi”.

Trước trao đổi của ông Mạch, phóng viên đặt câu hỏi phải chăng lãnh đạo xã Sài Sơn đánh giá việc xả thải của cơ sở giặt mài quần áo bò là bình thường thì ông Mạch cho biết, xã đã nhiều lần yêu cầu các cơ sở này tạm dừng hoạt động nhưng họ không chấp hành. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu bằng văn bản rồi. Bây giờ chỉ có xử lý bằng biện pháp mạnh thôi” – ông Mạch khẳng định.

Trước đó, vào tháng 3/2024, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của chính cụm nhà xưởng gần kênh Thụy Đức trên. Bài viết không những đề cập đến việc nguồn nước tại kênh Thụy Đức bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải xả ra mà không khi ở khu vực lân cận cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi tình trạng nung đốt phế liệu của các cơ sở nơi đây. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng không những không được giải quyết mà còn trở nên nghiêm trọng hơn khi xưởng giặt mài quần áo bò ngang nhiên xả thải thẳng ra môi trường.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chat-thai-nhuom-xanh-dong-kenh-chinh-quyen-xa-bat-luc.html