Chất thải rắn xây dựng ''tấn công'' đường phố

Đất, đá, phế thải xây dựng (chất thải rắn xây dựng) vô tư 'tấn công' đường phố gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra trên địa bàn Hà Nội.

Về vấn đề này, Báo Hànôịmới đã nhiều lần đề cập, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Nhưng do phần lớn chất thải rắn xây dựng đều bị các đối tượng đổ trộm dẫn đến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vỉa hè đường Hồng Hà (quận Ba Đình), đoạn rẽ vào phố Tân Ấp, có hàng chục bao tải cát, phế thải xây dựng xếp thành hàng dài (ảnh chụp ngày 13-7).

Vi phạm tái diễn khắp nơi

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới vào sáng 13-7 tại khu vực đường Hồng Hà, đoạn rẽ vào phố Tân Ấp, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) tồn tại hàng chục bao tải cát, phế thải xây dựng xếp thành hàng dài trên vỉa hè. Đối diện các số nhà 46, 240, 260 đường Âu Cơ, các thảm cỏ trên triền đê từ lâu cũng bị "bức tử" bởi những tấm bê tông, trạc thải (đất, cát, gạch, ngói vụn phế liệu)… đổ, vứt vô tội vạ.

Còn dọc đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Trường Chinh…, nhiều điểm chất đầy chất thải rắn xây dựng bị các đối tượng đổ trộm, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Riêng đường Cương Kiên, giáp ranh 2 phường Trung Văn và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) từ lâu bị các đối tượng "biến" thành nơi đổ chất thải rắn xây dựng. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, người dân ở chung cư CT1 Trung Văn Vinaconex 3 (quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Khu vực này luôn nhếch nhác vì phế thải đổ tràn lan. Đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng đổ trộm".

Tương tự, tình trạng đổ trộm chất thải rắn xây dựng diễn ra khá phổ biến tại Km 6 (dưới gầm cầu đường sắt, đường gom Võ Nguyên Giáp) và trong làn cao tốc đường Võ Nguyên Giáp (cách Nhà ga T1, sân bay Nội Bài khoảng 2km)... Ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7) phụ trách tuyến đường Võ Nguyên Giáp cho biết, công nhân công ty thường xuyên phải dọn dẹp chất thải rắn xây dựng trên tuyến đường này.

Nguyên nhân tồn tại trên do chủ các công trình xây dựng nhà ở nhỏ lẻ chỉ ký "hợp đồng miệng" với đơn vị vận chuyển, trong khi các đơn vị này hoạt động tự phát, manh mún, ý thức kém. Ngoài ra, nhiều xe chở chất thải rắn xây dựng của các đơn vị vận chuyển đến các bãi tập kết chung không che đậy cẩn thận, để rơi vãi phế thải ra đường, phố nhưng không bị xử lý, khiến nhiều tuyến đường, phố Hà Nội sống chung với cảnh ô nhiễm.

Kiểm soát từ khâu cấp phép xây dựng

Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Đình Quyền cho biết, trong 1 tháng cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ (tháng 6-2020), lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 4.350 trường hợp, phạt tiền gần 18 tỷ đồng. Trong đó, có đến gần 50%, tương ứng 2.149 trường hợp bị phạt do để rơi vãi, lôi kéo đất, đá xuống đường. Con số thống kê trên cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường của lái xe, đơn vị vận chuyển chất thải rắn xây dựng quá kém.

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Văn Quý cho biết, mỗi ngày thành phố thải khoảng 2.000-3.500 tấn chất thải rắn xây dựng ra môi trường. Do đó, để giải quyết tình trạng đổ trộm chất thải rắn xây dựng, Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra chặt chẽ trên địa bàn phụ trách, kiểm soát tốt khối lượng chất thải rắn thải ra từ các công trình nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đồng thời, yêu cầu các chủ nguồn thải thực hiện đưa chất thải rắn xây dựng đến các địa điểm để xử lý, tái chế; chịu trách nhiệm nếu để tình trạng xe vận chuyển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế vi phạm vẫn tái diễn.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn vi phạm, Trung tá Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng Đội Xây dựng và Môi trường đô thị (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, để quản lý các công trình xây dựng nhỏ lẻ - đối tượng gián tiếp vi phạm nhiều nhất hiện nay, đề nghị cần áp dụng quy định bắt buộc ký hợp đồng vận chuyển chất thải với đơn vị có tư cách pháp nhân mới được cấp phép xây dựng. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tìm các vị trí xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng tạm thời, đề xuất để kêu gọi đầu tư máy móc, thiết bị xử lý, tái chế đáp ứng nhu cầu trên địa bàn và các vùng lân cận.

Đồng quan điểm, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai Bùi Thanh Nhã cho rằng, cùng với việc áp dụng quy định phải có hợp đồng vận chuyển chất thải mới được cấp phép xây dựng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm xe chở chất thải rắn xây dựng gây rơi vãi hoặc lôi kéo đất ra đường, phố. Nhằm hạn chế nạn đổ trộm chất thải rắn xây dựng, chính quyền các địa phương cũng cần quản lý tốt diện tích đất trống, đất nông nghiệp, hành lang, cơ đê, vỉa hè, lòng đường... Chỉ có quản lý tốt, xử lý nghiêm vi phạm thì mới từng bước khắc phục được tình trạng chất thải rắn xây dựng "vô tư" tấn công đường phố Hà Nội.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/972897/chat-thai-ran-xay-dung-tan-cong-duong-pho