Chất thép của chàng trai xương thủy tinh
Hai năm tổ tự quản Tiếng kẻng an ninh thôn Đức Liễn ra đời, Thân Ngọc Mạnh từ chàng trai xương thủy tinh chỉ nằm trên giường trở thành chiến sĩ an ninh của xóm làng, khiến tội phạm trộm cắp không dám bén mảng
"Alô, các anh em chú ý. 2 thanh niên ở khu vực ao cầu đang có biểu hiện trộm xe máy SH, các anh em trực barie đóng chốt lại ngay", đó là một trong những hiệu lệnh mà Mạnh phối hợp với các thành viên trong Tổ tự quản gìn giữ an ninh của thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chiến sĩ an ninh không cầu vai
Tổ tự quản "Tiếng kẻng an ninh" thôn Đức Liễn được UBND xã Hồng Thái ra quyết định thành lập từ tháng 8-2021 gồm 18 thành viên do anh Thân Quang Cường (46 tuổi) làm tổ trưởng. Từ khi được thành lập, Tổ đã phối hợp với lực lượng công an xã chặn đứng tình hình trộm cắp trên địa bàn, bắt gọn khoảng chục vụ trộm và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Từ những trang thiết bị an ninh thô sơ ban đầu, đến nay nhờ vào sự ủng hộ của nhân dân, Tổ đã được trang bị dùi cui điện, bộ đàm, đèn pin, barie điện tử và theo dõi hệ thống camera an ninh trong thôn. Tại các tuyến đường trong thôn đều đặt kẻng báo động để người dân cùng phối hợp truy bắt đối tượng.
Tổ hoạt động 24/7 và được chia làm 3 ca trực. Người dân thôn Đức Liễn không còn lạ lẫm với hình ảnh tổ đi tuần tra an ninh vào các ngày nghỉ lễ hay đêm tối, trong đó có chàng trai thủy tinh Thân Ngọc Mạnh như một em bé nằm gọn trên chiếc xe lăn điện.
Mạnh cho biết ngay sau khi được thành lập, tổ đã tạo được niềm tin cho nhân dân bằng chiến công đầu tiên. Đêm hôm đó, tổ phát hiện một nam thanh niên lạ mặt đi xe máy vào trong làng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Sau đó, đối tượng trèo vào nhà dân định ăn trộm nhưng bị phát hiện, hắn vội vàng lên xe máy tẩu thoát. Anh em trong tổ đã quật ngã được xe hắn trên đường làng nhưng lợi dụng đêm tối, anh em không có đèn pin, đối tượng đã ẩn nấp rất kỹ. Tổ đã huy động toàn bộ lực lượng truy lùng bằng được từ 2 giờ đến 6 giờ sáng mới bắt được đối tượng đang ẩn nấp ở một khu vườn.
Một vụ khác, vào khoảng nửa đêm năm ngoái, khi đang trực camera an ninh, anh Mạnh phát hiện một đối tượng mang theo dụng cụ trộm chó, có biểu hiện nghi vấn đi vào thôn. Anh Mạnh đã báo động tới các chốt trực đóng chắn, quây giáp và bắt được đối tượng cùng các dụng cụ trộm chó và bàn giao cho công an xã.
Bà Nguyễn Thị Được, người dân thôn Đức Liễn, chia sẻ: "Ở đây gần khu công nghiệp nên hay có tình trạng trộm cắp, phụ nữ như chúng tôi rất ngại phải ra đường vào đêm tối hoặc ở nhà một mình. Từ khi Tổ tự quản ra đời, bắt được vài vụ trộm, người dân chúng tôi có thể kê cao gối mà ngủ, không lo trộm cạy cửa, xe cộ cũng không phải khóa ba bốn vòng như trước nữa".
Anh Thân Quang Cường, Tổ trưởng Tổ tự quản, cho biết: Tất cả thành viên trong tổ đều tham gia với tinh thần tự nguyện, không lương, không phụ cấp, thời gian đầu, anh em tự đóng góp tiền mua trang thiết bị. Riêng Mạnh, tuy bị bệnh xương thủy tinh, đi lại rất khó khăn và hầu hết sinh hoạt cá nhân phải có người trợ giúp nhưng là thành viên rất tích cực cùng anh em tuần tra, theo dõi camera, phối hợp vây bắt mỗi khi phát hiện đối tượng trộm cắp hoặc nghi vấn.
"Chính Mạnh là người đã gặp tôi để nêu ý tưởng thành lập tổ, đến nay, tổ đã có 43 thành viên, trang thiết bị đầy đủ, 4 rào chắn tại các lối ra vào làng, lắp đặt 18 camera an ninh và kết nối với 54 camera hộ dân" - anh Cường nói.
Chiếc cầu "thủy tinh" nhân ái
Trong ngôi nhà nhỏ ở cuối làng của bà Trần Thị Xa, có hai đứa trẻ không thể lớn như chúng bạn là Mạnh và em trai (sinh năm 2000), bởi lẽ cả 2 anh em đều mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, chỉ có thể nằm một chỗ.
Ngay từ nhỏ, hai anh em Mạnh không chỉ nhận được tình yêu thương của bố mẹ mà các nhà hảo tâm xa gần cũng thường tặng quà, động viên để hai anh em lạc quan vào cuộc sống. Tuy nhiên, trước năm 22 tuổi, thế giới bên ngoài với Mạnh vẫn là xa lạ. Không bạn bè, không giao tiếp và cả không biết chữ vì không được đến trường. Mãi năm 2013, Mạnh được một nhà hảo tâm tặng chiếc điện thoại có kết nối mạng internet, Mạnh mày mò tự học chữ và bắt đầu kết nối với cuộc sống muôn màu.
Sau đó, bố mẹ mua cho Mạnh chiếc xe lăn điện, chỉ cần đặt Mạnh lên xe lăn, thắt dây an toàn là Mạnh có thể đi mọi nơi trong thôn. Mạnh lập trang fanpage "Đức Liễn quê hương tôi" để đăng các thông tin hữu ích trong thôn lên mạng để những người con xa quê, bạn bè bốn phương biết đến.
Mạnh thấy trong thôn còn có nhiều hộ gia đình khó khăn, cơm ăn chẳng đủ như trường hợp ông Thân Ngọc Vui ốm yếu ở trong căn nhà dột nát. Mạnh đã kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ được gần 100 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa cho ông Vui. Trong quá trình xây nhà, Mạnh còn thiết kế, mua vật liệu và giám sát xây dựng đến khi ngôi nhà kiên cố hiện ra và bàn giao cho ông Vui.
Trong đại dịch COVID-19, Mạnh vừa kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ trên mạng xã hội vừa đến từng nhà vận động ủng hộ nhu yếu phẩm để hỗ trợ lực lượng chống dịch trong thôn và các gia đình khó khăn bị cách ly y tế. Số tiền vận động được tuy chỉ 20 triệu đồng cùng một số nhu yếu phẩm nhưng ai cũng thấy được tấm lòng của Mạnh.
Hiện nay, Mạnh tham gia nhóm "Đức Liễn quê hương tôi", cứ hễ thấy ai gặp khó khăn, tai nạn hay bạo bệnh, Mạnh lại cùng anh em đi gõ cửa từng nhà trong thôn để vận động ủng hộ giúp đỡ họ. Ngoài ra Mạnh còn tham gia công tác Đoàn Thanh niên trong xã qua các chương trình như Trại hè thiếu nhi, Trung thu cho em...
Hoa hướng dương nở trên đá
Cô Trần Thị Xa, mẹ của Mạnh tâm sự: Hồi nhỏ, Mạnh gãy xương đến cả trăm lần, chân tay bị co rút, nhiều lúc thấy con đau đớn nhưng không thể làm gì được. Hơn chục năm trước bố Mạnh mất vì ung thư, cuộc sống gia đình tuy khó khăn hơn nhưng mẹ con luôn yêu thương, đùm bọc nhau. "Từ khi Mạnh tham gia tổ tự quản tôi rất lo vì sợ con gặp phải những tên trộm liều lĩnh, chỉ cần hất đổ xe lăn là Mạnh có thể mất mạng, rồi đi trực cả đêm về cũng không ngủ cứ tìm tòi xem có ai gặp khó khăn lại đi kêu gọi trợ giúp" - cô Xa nói.
Thương mẹ tuổi xế chiều vẫn chưa được ngày nào nghỉ ngơi, lo lắng cho 2 con trai, Mạnh nỗ lực tự làm việc để nuôi sống bản thân, để báo hiếu mẹ, để mẹ yên tâm nếu có rời xa Mạnh mãi mãi. "Bản thân tôi cũng chẳng biết mình sống được bao lâu, người bị xương thủy tinh tuổi thọ không cao nhưng còn sống ngày nào tôi sẽ không để mẹ khổ. Tôi sẽ cố gắng đóng góp cho xã hội và duy trì thái độ sống lạc quan để thấy cuộc đời có ý nghĩa".
Năm 2021, Mạnh mở một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trong xã, nhận ký hợp đồng lắp đặt cáp quang internet. Công việc tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Mạnh đã có thể tự lo cho bản thân, thỉnh thoảng Mạnh lại mua những món quà nho nhỏ tặng mẹ, tặng em bằng chính sức lao động của mình.
Năm 2022, nhận thấy trên địa bàn huyện Việt Yên chưa có Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật, Mạnh đã đề xuất với Huyện Đoàn thành lập CLB để đoàn kết thanh niên khuyết tật, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. CLB ra đời ngay sau đó với hơn 20 thành viên, Mạnh được bầu làm chủ nhiệm CLB. "Tôi sẽ không quên 22 năm đầu đời thu mình trên chiếc giường, không bạn bè, không nghĩ đến ngày mai để lấy đó làm động lực sống có ích mỗi ngày và truyền cảm hứng để các bạn trẻ khuyết tật phá vỡ tổ kén, tự tin hòa nhập cuộc sống" - Mạnh bày tỏ.
Anh Trần Văn Bình, Bí thư Huyện Đoàn Việt Yên, nhận xét Mạnh là tấm gương người khuyết tật vươn lên số phận điển hình ở huyện Việt Yên. Không chỉ tham gia gìn giữ an ninh trật tự thôn xóm mà Mạnh còn năng nổ tham gia công tác thanh niên, hỗ trợ người cùng cảnh ngộ, huyện Việt Yên rất tự hào vì có một thanh niên “thủy tinh không dễ vỡ” như Mạnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH