Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về 7 nhóm vấn đề

Hôm nay 10/8, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn trực tuyến đối với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Quảng Trị có các đại biểu Quốc hội: UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy tham dự phiên chất vấn.

 Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng và các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng và các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Xử lý nghiêm tội phạm về ‘tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao

Theo đó, có 26 đại biểu phát biểu, 11 đại biểu phát biểu tranh luận chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đối với 3 nhóm vấn đề gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Tại điểm cầu Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an 2 vấn đề gồm kiểm soát, đấu tranh, phòng ngừa việc vi phạm pháp luật ngay trong lực lượng bảo vệ pháp luật; giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Trả lời chất vấn về vấn đề tín dụng đen, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...

Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan Công an Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng…

Về giải pháp trong thời gian tới, đó là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm công nghệ cao; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi để Nhân dân phòng ngừa. Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay tín dụng đen.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp căn cơ hiện nay sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.

Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế”

Có 19 đại biểu phát biểu đặt câu hỏi chất vấn và 7 lượt đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đối với 4 nhóm vấn đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Trả lời các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Các giải pháp đặt ra bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Bên cạnh đó cho rằng, phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu COVID-19 không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động. Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế”.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi thì du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế). Sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra. Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=169560&title=chat-van-bo-truong-bo-cong-an-va-bo-truong-bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-ve-7-nhom-van-de