Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng liên quan đến bốn nhóm nội dung: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Tham gia chất vấn tại hội trường, đại biểu Cẩm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Thực tiễn vừa qua các địa phương có cơ chế đặc thù, nội dung phân cấp phân quyền về đất đai, quy hoạch đô thị được thực hiện có hiệu quả nhất. Một trong các nội dung Thủ tướng kết luận tại Thông báo số 311 ngày 29/9/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngày 03/9/2022 đó là “… trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện thí điểm phân cấp hoặc ủy quyền việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch chung các đô thị.”…

Trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ sau khi được Quốc hội cho phép tại nghị quyết về cơ chế đặc thù của một số địa phương. Thực hiện thông báo ngày 29/9/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ, trong đó có giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất thí điểm phân cấp hoặc ủy quyền việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị, hiện nay Bộ Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với nội dung việc điều chỉnh quy hoạch đô thị còn tùy tiện, nêu tại báo cáo của Bộ Xây dựng gửi các đại biểu Quốc hội. Nhận định này từ kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Xây dựng đối với công tác quy hoạch. Qua công tác thanh tra, Bộ Xây dựng nhận thấy tình trạng này tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn tồn tại, do đó có nhận định như thế trong báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Về tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, theo quy định của Luật Quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch. Việc ban hành Luật Quy hoạch là sự đổi mới rất căn bản về phương pháp, tư duy, khắc phục việc chia cắt, manh mún, chồng chéo trong công tác quy hoạch. Luật đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Do vậy, mặc dù Luật đã có hiệu lực nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 61/2022/QH15 trong đó cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại hạn chế như: việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian…

Để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/chat-van-bo-truong-bo-xay-dung/188386.htm