Chất vấn nhóm vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội: Giải pháp nào ngăn chặn tội phạm nghiêm trọng?

Chiều 5/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn với nội dung thứ 3 với nhóm vấn đề thứ hai là về công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, tập trung vào vấn đề phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn trong năm 2019.

Trước đó, tại phiên làm việc buổi sáng, HĐND TP đã chất vấn 2 nhóm vấn đề gồm: Tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn; nhóm vấn đề về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập trên địa bàn TP hiện nay.

Buổi chiều, HĐND TP tiếp tục nhóm vấn đề thứ 3, về công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, tập trung vào vấn đề phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn trong năm 2019.

 Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn nội dung về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội

Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn nội dung về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội

Năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy trong công tác chỉ đạo điều hành của HĐND, UBND TP, sự tham gia tích cực, nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân và cố gắng của các ngành tư pháp, tình hình kinh tế - xã hội của TP tiếp tục phát triển, an ninh được giữ vững, chính trị bảo đảm ổn định, không để xảy ra khủng bố phá hoại bất ngờ, đảm bảo tuyệt đối các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình một số loại tội phạm gia tăng khiến người dân lo ngại. Vì vậy, chất vấn để tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm để người dân Hà Nội được sống trong môi trường xã hội bình yên, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là rất cần thiết.

Giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm nghiêm trọng?

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) nhắc lại việc trong các báo cáo của Ban pháp chế của HĐND có đặt vấn đề công tác phòng ngừa xã hội thuộc trách nhiệm công an cơ sở các cấp. Thời gian qua, các vụ giết người hoặc tội phạm nghiêm trọng đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân, kể cả mâu thuẫn tranh chấp đất đai…

"Tôi chưa thấy rõ ý này trong báo cáo của Giám đốc Công an TP, và yêu cầu đồng chí báo cáo rõ với TP, chúng ta cần làm gì, giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm giết người nghiêm trọng này? Hiệu quả của công tác này", đại biểu chất vấn.

 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) chất vấn: Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tình trạng đối tượng mắc bệnh tâm thần gây ra các vụ án giết người, các vụ hành hung gây thương tích cho người thân hoặc người bên ngoài có chiều hướng gia tăng. Đề nghị Giám đốc Công an TP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp để kiểm soát, hòng ngừa, giải quyết các mẫu thuẫn trong nhân dân. Đồng thời, kiểm soát và quản lý chặt những đối tượng này?

ĐB Đoàn Việt Cường chất vấn Giám đốc Công an TP Hà Nội: Thời gian qua, đối tượng hình sự người ngoại tỉnh về Hà Nội gây án diễn biến phức tạp. Qua báo cáo của Công an TP, có 916/1.290 đối tượng phạm tội, đặc biệt vụ cướp xe taxi trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, cướp xe máy trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của ngành và giải pháp ngăn chặn?

Kiểm soát chặt chẽ đối tượng có tiền án tiền sự từ các tỉnh di cư vào Hà Nội

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho rằng, trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ. Chúng tôi thường có cụm từ “gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm”. Các đối tượng có tiền án tiền sự cơ quan Công an đang quản lý theo dõi được chúng tôi xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bột phát, do thời gian thì là phòng ngừa xã hội.
Vụ ở Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện kiểm điểm, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn nhau, nhân dân trong khu phố đều biết.

 Đại biểu Hoàng Huy Được

Đại biểu Hoàng Huy Được

Trong phòng ngừa xã hội, một số đại biểu nêu vấn đề ngáo đá, ngáo rượu, tâm thần. Tháng 8/2016 Công an TP đã tổ chức nhiều hội thảo nêu ra khái niệm thế nào là ngáo đá; từ đó chỉ đạo các công an cơ sở rà soát lên danh sách các trường hợp ngáo đá, ngáo rượu. Tháng 8/2016, toàn TP có 257 đối tượng ngáo đá, Công an TP quyết tâm đưa hết số này vào cai nghiện. Nhưng việc đưa các đối tượng vào cai nghiện trong một hành lang pháp lý rất khó khăn, chỉ khi gia đình tự nguyện đưa đi mới giải quyết được.Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu của lực lượng công an ở đâu? Tôi cũng không phải đổ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đảm bảo ANTT là của toàn đảng toàn quân toàn dân. Vậy mâu thuẫn như thế thì tổ hòa giải ở đâu, vai trò chỉ đạo của mặt trận thế nào; hội phụ nữ, thanh niên ở đâu…? “Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận trách nhiệm.

Sau đó, Công an TP yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống ma túy hàng ngày nhắn tin cho tôi số liệu về sự tăng, giảm số lượng đối tượng ngáo đá, vì chính đối tượng này gây những thảm án không chỉ với người dân xung quanh mà với chính thân nhân gia đình. Tương tự, xử lý đối tượng tâm thần cũng rất khó khăn, vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không thể đủ tiền để “làm từ thiện”, gia đình phải có trách nhiệm, nhưng nhiều gia đình không có tiền, vào bệnh viện cho vào vài tháng hết tiền cũng phải cho ra…

Giám đốc Công an TP đề nghị UBND TP kiến nghị HĐND TP có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng công an rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.

Trả lời chất vấn về tội phạm ngoại tỉnh của đại biểu Đoàn Việt Cường, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, Hà Nội và TP HCM là 2 TP có số lượng người dân ngoại tỉnh đến sinh sống học tập và làm việc nhiều, kéo theo số lượng tội phạm cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, trong quy định của Bộ CA, khi các đối tượng có tiền án tiền sự từ các tỉnh di cư vào Hà Nội, công an Hà Nội đều có sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ; các đối tượng chưa có tiền án tiền sự cũng được tổ chức nắm tình hình. Hàng năm, công an TP Hà Nội đều tổ chức tổng kiểm tra hộ khẩu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để phát hiện những đối tượng ngoại tỉnh vào Hà Nội phạm tội.

Băn khoăn tình hình tội phạm xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi có chiều hướng gia tăng

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết nguyên nhân tội phạm ma túy tăng trong năm 2019, chúng ta đã thực hiện các giải pháp và các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả đến đâu? Để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả thì công an TP tham mưu cho TP những giải pháp gì để đấu tranh hiệu quả với tệ nạn này?

 Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân

ĐB Hoàng Huy Được chất vấn về nội dung việc xâm hại trẻ em. Trong kiến nghị của ngành công an, đề nghị các cơ quan ban ngành có liên quan tiến hành điều tra, xét xử công khai để tuyên truyền rộng rãi giáo dục răn đe, phòng ngừa chung. Nhưng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 lại phải xét xử kín, vậy căn cứ vào đâu để xét xử công khai?. Thứ hai là rất nhiều vụ án cho thấy việc đình chỉ để điều tra vụ án có tới 122 vụ với 133 bị can và khi đình chỉ điều tra như vậy thì hết thời gian không phát hiện tội phạm, tôi đề nghị ngành công an cho biết chất lượng của điều tra viên trong việc điều tra?

Đại biểu Hoàng Tú Anh (tổ Đan Phượng) chất vấn về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp, tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết nguyên nhân tăng loại đối tượng này, trách nhiệm và giải pháp để kiểm soát, giảm mạnh loại đối tượng này trong thời gian tới. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân TP cho biết kết quả xét xử năm 2019 đối với loại đối tượng trên nhất là những vụ điển hình được dư luận xã hội quan tâm tại huyện Chương Mỹ và quận Hoàng Mai.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) cũng quan tâm đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp và tăng cao gây bức xúc và lo lắng cho Nhân dân. Với chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, mô hình, dự án để bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tổ chức, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, các chế độ, chính sách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đến nay, sở LĐTBXH đã thực hiện các nội dung trên như thế nào, đánh giá về kết quả thực hiện, nguyên nhân, tình trạng và trách nhiệm của Sở trong chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp để tham mưu với UBND TP thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em và đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm trên?

Đại biểu Phạm Thanh Hương đặt câu hỏi với Giám đốc Công an TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông. Theo báo cáo của Công an TP, tình hình tội phạm ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như bar, karaoke, vũ trường có chiều hướng ngày càng phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng các cơ sở này để hoạt động mua bán sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, sử dụng shisha, bóng cười, qua thanh tra kiểm tra phát hiện 28 đối tượng dương tính với ma túy tại quán karaoke Green Star tại quận Hà Đông, phát hiện 54 đối tượng dương tính với ma túy tổng hợp tại quán bar club tại quận Hoàn Kiếm, đề nghị Giám đốc Công an TP và và Chủ tịch các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông cho biết quan điểm, trách nhiệm nhà nước khi xảy ra vi phạm về an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nêu trên.?
ĐB Nguyễn Thanh Bình chất vấn về hoạt động kinh doanh vũ trường, bar, karaoke là những hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhiều đối tượng sử dụng ma túy và mại dâm tại các cơ sở kinh doanh này, tuy nhiên gần đây, báo chí có một số bài phóng sự phản ánh về tệ nạn xã hội tại các vũ trường và karaoke, đó là hình thức múa khiêu dâm, thác loạn tại một số quán karaoke tại quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy. Với vấn đề này đề nghị Giám đốc công an TP cho biết trách nhiệm và giải pháp với vấn đề phòng ngừa tệ nạn xã hội mại dâm trong các vũ trường, bar, karaoke như thế nào? Đề nghị Chủ tịch các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cho biết trách nhiệm nhà nước của mình trên địa bàn, đặc biệt là cho biết công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất với các cơ sở trên để giúp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm đối với loại hình kinh doanh này?

Khó khăn trong quản lý hoạt động các quán karaoke

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, từ bài học sau sự việc đau xót tại quận Cầu Giấy năm 2016, chúng tôi đã làm quyết liệt, giảm từ 99 cơ sở karaoke khi đó còn 70 cơ sở, đến nay vận động được10 cơ sở chuyển đổi ngành nghề. Trong 60 cơ sở có phép kinh doanh karaoke thì hiện còn 56 cơ sở hoạt động, còn 4 cơ sở không đủ điều kiện về PCCC nên chưa hoạt động.

 Chủ tịch quận Cầu Giấy trả lời chất vấn

Chủ tịch quận Cầu Giấy trả lời chất vấn

Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, hoạt động karaoke chủ yếu hoạt động về đêm nên quản lý rất phức tạp, Quận đã thành lập tổ liên ngành. Năm 2019 đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát karaoke kinh doanh dịch vụ văn hóa, kiểm soát tệ nạn xã hội; đã kiểm tra 85 lượt, xử phạt 65 cơ sở, số thu phạt gần 1,4 tỷ đồng, rất lớn, nhưng các quán vẫn cố tình hoạt động theo cách của họ.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa sử dụng sisha bóng cười, ma túy, nhưng bất thường là khi chúng tôi đi kiểm tra không quán nào hoạt động. Qua kiểm tra, chúng tôi đã xử lý 65 cơ sở và phát hiện 5 cơ sở lớn kinh doanh bóng cười, sisha và bình khí N2O. Với các đối tượng này, các đơn vị chức năng đã xử phạt tới 579 triệu đồng, nhưng vẫn rất khó hạn chế.

Nếu cứ “thả gà ra đuổi” rất khó, vì hoạt động này từ 0h trở đi. Với chế tài xử lý rất kém, còn non, khi xử lý các quán sẵn sàng nộp phạt rồi hoạt động trở lại, lực lượng rất mất công. Nên đề nghị các ngành TP, cơ quan báo chí tạo điều kiện giúp đỡ vì các cán bộ đi thường hay bị lộ mặt; đồng thời cần có chuyên đề của cơ quan Công an để xử lý dứt điểm.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong trả lời chất vấn về vấn đề các quán karaoke có hoạt động nhạy cảm, với trách nhiệm là Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, quận có nắm qua phản ánh thông tin qua mạng xã hội. Ngay khi nắm được thông tin, Chủ tịch UBND quận đã giao cho công an quận cùng với UBND phường kiểm tra cơ sở đó và lực lượng công an phường đã kiểm tra cơ sở 107 Bùi Thị Xuân, tại thời điểm kiểm tra lại không có hoạt động cũng không có khách trong quán karaoke đó.

Qua báo cáo việc này, công an quận đã báo cáo công an TP và nhìn lại đoạn video đó thì khung cảnh này thấy khả năng là bị ghép, vì trong trang trí nội thất trong quán karaoke không tương thích với video clip.

“Chúng tôi đã báo cáo và đang chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các loại hình thức kinh doanh này và riêng quán karaoke Bùi Thị Xuân thì trong năm 2019, chúng tôi đã kiểm tra 4 lần và có các xử phạt hành chính về sử dụng lao động quá theo quy định cũng như quy định hành chính khác”, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng cho biết.

 Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong trả lời chất vấn

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong trả lời chất vấn

Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho biết, về quy định quán bar, trong các văn bản quy định pháp luật không có khái niệm quán bar, mà quán bar lấy từ việc kinh doanh của nhà hàng ăn uống cộng thêm vui chơi giải trí, nên gọi là quán bar. Đối với vũ trường, trên địa bàn Hà Nội không có vũ trường. Liên quan đến quán bar, nhà hàng, đây là nơi kinh doanh có điều kiện có nhiều cơ quan quản lý. Cụ thể, liên quan đến ngành Công thương quản lý như các mặt hàng: Rượu uống, nước uống… Đối với các lao động, nhân viên nhà hàng liên quan đến Sở LĐTB&XH, vấn đề ANTT liên quan Công an quản.

Riêng ngành Văn hóa chỉ quản lý những hoạt động văn hóa nghệ thuận trong các quán bar, nhà hàng này, nhưng theo quy định không phải cấp phép mà các nhà hàng chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

Với trách nhiệm của ngành, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ cần quan tâm đến trách nhiệm liên quan đến mình, chính quyền các quận, huyện, phường xã cũng quan tâm trên địa bàn mình; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, để các chủ nhà hàng không lợi dụng quán bar, nhà hàng để làm biến tướng các hoạt động trái quy định. Ngoài ra, rất cần Nhân dân phát hiện để giám sát.

 Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động

Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động

Triển khai các giải pháp quyết liệt chống xâm hại trẻ em

Trả lời về vấn đề bảo vệ trẻ em, đại diện Sở LĐ- TB&XH cho rằng, tháng 8/2019, đoàn công tác của QH đã giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại TP Hà Nội. Đoàn giám sát đã chỉ ra những ưu điểm và 7 hạn chế, tồn tại vướng mắc trong báo cáo.

Đồng thời, đoàn đã ban hành kiến nghị thành phố thực hiện 9 nội dung trong nội dung giám sát này, ngay sau khi có báo cáo giám sát, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu các cơ quan, sở ban ngành, quận huyện thị xã thực hiện ngay việc tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng, cam kết trách nhiệm hành động của các ngành, các cấp, nhất là cha mẹ, người trông trẻ. Đặc biệt, phối hợp liên ngành trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

UBND TP đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành trong ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn TP. Trong đó, Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm với TP với việc xảy ra các vụ xâm hại trong nhà trường, giao Công an TP chịu trách nhiệm về tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP, giao UBND các quận huyện thị xã chịu trách nhiệm về xảy ra tình trạng không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc xử lý không kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn...

Lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo vệ trẻ em, tiếp tục chỉ đạo, rà soát, kiện toàn đảm bảo phát huy vai trò trách nhiệm của ban chỉ đạo công tác trẻ em nhất là cấp cơ sở để đảm bảo việc phát hiện, giải quyết vụ việc kịp thời để hỗ trợ trẻ hiệu quả.

Nhóm PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truc-tiep-hdnd-tp-ha-noi-chat-van-nhom-van-de-ve-cong-tac-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-359371.html