Chất vấn, trả lời chất vấn về quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện các dự án

Nhằm làm rõ quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện các dự án, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (giai đoạn 2016 – 2020) của tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất thực hiện dự án giai đoạn 2016 – 2021, ngày 16/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên giải trình về những nội dung trên. Phóng viên Báo Hưng Yên tổng hợp những nội dung chính Phiên giải trình.
Phát biểu đề dẫn tại Phiên giải trình, đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Phiên giải trình nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện các dự án. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sử dụng đất có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh phiên giải trình

Tại Phiên giải trình, các đại biểu HĐND tỉnh; đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố đã chất vấn, làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm, giải pháp của các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đối với các nội dung nêu trên. Trong đó, các đại biểu đã tập trung chất vấn nhiều nội dung cụ thể, được quan tâm như: Nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiến độ xây dựng Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, phương án phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các huyện, thị xã, thành phố; nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với những công trình, dự án chuyển tiếp quá 3 năm...Giải trình về việc một số chỉ tiêu thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến 2020 còn thấp, nhiều dự án thu hồi đất và dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha đã chuyển tiếp quá 3 năm, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nguyên nhân chủ quan là do một số chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với địa phương trong quá trình triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn; các huyện, thị xã, thành phố không chủ động rà soát danh mục các dự án thu hồi đất và dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa chuyển tiếp qua 3 năm nhưng chưa triển khai thực hiện; một số dự án chưa bố trí được nguồn vốn; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình lập kế hoạch và đăng ký danh mục dự án thu hồi đất, UBND cấp huyện chưa phối hợp đề xuất mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng…Trả lời chất vấn về trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác phối hợp quản lý, theo dõi các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp có thực hiện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Giai đoạn 2016-2021, ngành nông nghiệp và PTNT thực hiện 3 dự án phải thu hồi đất. Các dự án sau khi thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã triển khai thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Về một số dự án di dân và tái định cư vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh không phát huy được hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT giải trình cụ thể: Dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở tại các xã: Văn Nhuệ (Ân Thi), Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), Bình Minh (Khoái Châu). Nhìn chung, hạ tầng các dự án di dân tái định cư vùng có nguy cơ sạt lở đã hoàn thành và được bàn giao cho các xã để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thời gian triển khai thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án. Mặt khác, một số hộ dân chưa phối hợp thực hiện tốt công tác GPMB. Hiện nay tình trạng sạt lở ngập úng không còn xảy ra tại các địa phương nêu trên, việc di chuyển không cấp thiết như trước đây. Đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang xây dựng khu dân cư mới.Giải trình về việc kết quả thực hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất KCN theo quy hoạch, kế hoạch còn thấp, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay nhu cầu thuê đất, thuê lại đất trong các KCN để thực hiện dự án ngày càng lớn. Trong khi đó, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất KCN đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất KCN đến năm 2025 của tỉnh Hưng Yên đã được chấp thuận không còn nhiều. Một số KCN chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường chi trả phần lớn tiền đền bù. Tuy nhiên vẫn còn phần nhỏ diện tích người dân chưa đồng thuận; các cụm công nghiệp chậm triển khai tại huyện Khoái Châu, Văn Giang chủ yếu do chậm trễ trong thực hiện quy hoạch và GPMB...Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất các năm 2021, 2022 của 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đồng thời đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn 2016 – 2021, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với 34 dự án, tổng diện tích hơn 2.910 ha, trong đó diện tích đã thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa là hơn 1.349 ha. Trong giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.617 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất và 1.711 dự án thu hồi đất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.Tại phiên giải trình, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, sửa đổi các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác có liên quan. Đề nghị các ngành, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, đăng ký nhu cầu sử dụng đất các công trình, dự án khi bố trí được đầy đủ nguồn đầu tư...Kết luận phiên giải trình, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm kiến nghị của HĐND tỉnh tại Thông báo kết quả giám sát số 605/TB-TTHĐND ngày 20/9/2022. Đối với các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất còn thấp, UBND tỉnh cần chỉ đạo, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, lưu ý các khu dân cư, khu đô thị; xem xét các dự án đã chuyển tiếp 3 năm để có hướng xử lý phù hợp. Các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; tập trung GPMB các dự án trọng điểm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tăng cường hậu kiểm sau chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai...Phiên giải trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương cùng nhìn nhận lại vấn đề còn hạn chế, bất cập trong công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh để từ đó thống nhất lại phương án giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực đất đai của tỉnh.

Phương Châm

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202211/chat-van-tra-loi-chat-van-ve-qua-trinh-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-trong-lua-va-su-dung-dat-de-thuc-hien-cac-du-an-834228c/