Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Ngày 10/11, ngày làm việc thứ ba của đợt họp tập trung Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn lên quan đến công tác phòng chống Covid-19 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, của cử tri và các tầng lớp nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19

Tại nghị trường Nhà Quốc hội, các ĐBQH tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế như: Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng chống dịch, chiến lược vắc xin trong thời gian tới. Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Quốc hội dành nhiều thời gian cho chất vấn về phòng chống dịch Covid-19 là vấn đề được người dân và cư tri cả nước đang quan tâm nhất. Nhiều nội dung chất vấn nêu bật những tồn tại, bất cập từ thực tiễn cuộc sống liên quan đến Covid-19; góp ý đầu tư cho nhân lực y tế, về tiêu cực trong quá trình thực hiện phòng chống dịch Covid-19.

Tham gia chất vấn tại nghị trường, ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã chất vấn Bộ trưởng Y tế xoay quanh nội dụng về phòng chống dịch Covid-19. Qua hơn 20 tháng phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngoài những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của ngành y tế đã được Nhân dân cả nước ghi nhận thì cử tri còn trăn trở, băn khoăn về hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể đó là: Thứ nhất, việc quy định chu kỳ xét nghiệm Covid-19 theo tần suất 7 ngày/lần, 5 ngày/lần và 3 ngày/lần áp dụng cho các đối tượng ở mỗi vùng, mỗi địa phương khác nhau, chu kỳ càng ngắn thì số lượng cần phải xét nghiệm càng lớn gây lãng phí, tốn kém chi phí cho người dân lao động. Thứ hai, việc quy định phân loại các đối tượng khi nào test nhanh, khi nào xét nghiệm RT-PCR để truy vết F0 trong cộng đồng hoặc trong công tác phòng chống dịch còn bất cập, không thống nhất. Thứ ba, việc quản lý, nhập khẩu, phân phối và giá cả trong công tác xét nghiệm kể cả test nhanh và RT-PCR ở mỗi địa phương, địa bàn cũng khác nhau. Thứ tư, vấn đề hiện nay có quá nhiều ứng dụng trên điện thoại mà Nhân dân sử dụng để quét mã QR trong công tác phòng chống dịch Covid-19 mà chưa có một ứng dụng dùng chung, thống nhất trên cả nước, đơn giản, dễ áp dụng.

Độ che phủ và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ở các vùng, địa phương trên cả nước không đồng đều, đạt thấp, gây bất cập, lúng túng cho từng địa phương khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; đặc biệt ở Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ.... Đề nghị Bộ trưởng có ý kiến gì và giải pháp khả thi nào trong thời gian tới để khắc phục các vấn đề mà cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mặc dù là lần đăng đàn đầu tiên nhưng trả lời thắng thắn, trực diện vào câu hỏi, trả lời cụ thể về những vấn đề đặt ra của ĐBQH. Có những vấn đề nóng, khó như đấu thầu, test Covid-19, giá xét nghiệm Covid-19 không thống nhất giữa các địa phương… đều được Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và các ĐBQH.

NGUYỆT THU (Tổng hợp)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202111/chat-van-va-tra-loi-chat-van-nhieu-van-de-nong-trong-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-3088488/