Chật vật thị trường homestay

Homestay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển đúng theo tiêu chí vốn có

Sớm nở, tối tàn

Du lịch homestay cùng ăn ở, cùng làm với người dân đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, những năm gần đây loại hình du lịch này cũng phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, nên thị trường này hiện đang gặp khó, kinh doanh ế ẩm, sớm nở tối tàn...

Du khách cần nhiều sự trải nghiệm, chứ không đơn thuần là lưu trú

Du khách cần nhiều sự trải nghiệm, chứ không đơn thuần là lưu trú

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) là một trong những địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất nhì cả nước. Cùng với sự bùng nổ của du khách đến địa phương, chỉ trong vòng khoảng 3 năm gần đây, nhà nhà, người người đã đua nhau đầu tư dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay. Thời gian đầu chỉ có người dân địa phương thực hiện, sau này có thêm những nhà đầu tư từ các địa phương khác cũng đến Hội An để làm. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn số lượng homestay trên địa bàn đã tăng chóng mặt.

Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2018, Hội An chỉ có 150 homestay với khoảng 500 phòng. Nhưng, đến nay con số đó đã tăng lên 400 homestay cung ứng trên 1.200 phòng. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều dự án khác đã được cấp giấy phép nhưng chưa đi vào hoạt động. Phát triển ồn ạt trong một thời gian ngắn, nên đến nay trên nhiều tuyến phố của Hội An có rất nhiều gia đình treo biển homestay. Thậm chí, có những đoạn đường chưa đến 1km, cũng đã có vài chục homestay. Dịch vụ này phát triển từ các căn nhà mặt phố, đến những căn nhà trong hẻm chật chội, khác với không gian thoáng đãng, yên tĩnh của homestay được quảng bá trên các trang mạng.

Mọc lên quá nhiều khiến không ít homestay phải chật vật để duy trì hoạt động. Không những cạnh tranh lẫn nhau, homestay còn phải cạnh tranh với các khách sạn, nhà nghỉ cũng đang mọc lên như nấm sau mưa. Nguồn cung nhiều, trong khi nhu cầu có hạn, để tồn tại buộc các chủ homestay phải “đại hạ giá”. Bà Thanh M. chủ một homestay ở phố cổ chia sẻ, cơ sở của bà dù nằm trên một tuyến đường lớn, lượng du khách qua lại đông, song kinh doanh vẫn ế ẩm. Thời điểm mới kinh doanh còn niêm yết giá lên đến 400 nghìn đồng/phòng. Nhưng, nay chỉ dám niêm yết 250 nghìn đồng/phòng để hút khách. Trừ hết các chi phí trung gian, trả “hoa hồng”, tính ra mỗi phòng cũng chỉ thu được khoảng 200 nghìn đồng. Lỗ nặng so với tiền tỷ đã bỏ ra, nghĩ đến tương lai cũng không lấy gì để hy vọng.

Homestay ế ẩm đang là tình trạng chung không chỉ riêng ở Hội An mà còn ở nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung. Tại TP. Đà Nẵng, thị trường này cũng đã bão hòa. Thậm chí, có những người đã phải chuyển đổi từ homestay sang dịch vụ cho thuê dài hạn, hoặc phải sang nhượng lại vì kinh doanh quá ế ẩm. Tương tự là với Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tại khu du lịch nổi tiếng này, để cạnh tranh hút khách có chủ homestay chỉ thu với giá... 1 USD/người/ngày đêm! Giá bèo như vậy, họ chỉ mong lấy chi phí các dịch vụ khác như ăn uống, đi lại... để bù đắp.

Không đơn thuần là lưu trú

Có thể nói, mô hình du lịch homestay đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho dịch vụ lưu trú tại điểm đến du lịch. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển đúng theo tiêu chí vốn có.

Điều dễ nhận thấy là với việc phát triển quá nhanh như trong thời gian qua, dịch vụ homestay đã và đang để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, dễ thấy nhất là việc trốn thuế, rồi cạnh tranh không lành mạnh về giá, vấn đề an ninh trật tự... Theo đại diện một công ty du lịch tại Đà Nẵng, thực chất những homestay này mới chỉ là các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú giá rẻ, lại thường phá giá trong mùa thấp điểm, hoặc “chặt chém” du khách trong mùa cao điểm...

Đặc biệt, đáng lo ngại là chuyện nhiều người đầu tư làm homestay, song chưa hiểu hết những tiêu chí đầy đủ của loại hình du lịch này. Họ vẫn còn coi đây là loại hình lưu trú để thu lợi, mà không hiểu nó là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm... Theo đại diện Hiệp hội homestay Hội An, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh các homestay đang phải chịu cảnh “thoi thóp” tồn tại này là việc phát triển sai hướng khiến du khách không mặn mà. Theo đó, bản chất của homestay là nơi để khách được cùng ăn, cùng ở, giao lưu, trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương, được khám phá những giá trị văn hóa lâu đời. Trên thực tế, ở Hội An hay Phong Nha - Kẻ Bàng thì những điều này không khó thực hiện. Bởi, ở những nơi này có rất nhiều danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch gắn liền với đồng quê, cuộc sống dân dã truyền thống... Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều homestay khách đến rồi nhốt mình vào những khối bê tông, đơn thuần chỉ ngủ, rồi rời đi... mà hoàn toàn không có sự trải nghiệm.

Về phía các chủ đầu tư homestay, hiện chỉ số ít có kinh nghiệm làm du lịch, biết tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Còn lại phần lớn là những người nông dân, “bỏ ruộng”, “xắn tay áo” tham gia làm du lịch. Bởi vậy, trong ngày một ngày hai để yêu cầu họ “biến” homestay thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn du khách, có hàm lượng văn hóa, kiến trúc, những trải nghiêm là điều rất khó khăn.

Để homestay ngày càng trở nên thân thuộc và thu hút đối với những người làm du lịch cũng như đối với mỗi du khách quốc tế mỗi khi đến với Việt Nam, cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ du khách cũng như ngoại ngữ cho các hộ gia đình làm homestay. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho các chủ homestay hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để giới thiệu, trải nghiệm cho du khách, chứ đừng nghĩ rằng homestay chỉ là một dạng lưu trú du lịch giá rẻ.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chat-vat-thi-truong-homestay-92499.html