Chật vật trong 'bão'
Nền kinh tế Việt Nam vốn đang chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 lần 1, chưa kịp hồi phục, nay tiếp tục bị giáng thêm đòn mạnh bởi đợt dịch lần 2. Trong khi đó, gói hỗ trợ lần 1 chưa đủ ngấm, thậm chí, nhiều DN còn chưa kịp tiếp cận, khiến 'khó càng thêm khó'.
Hụt hơi
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều ngành, nghề vốn "hụt hơi" vì đợt dịch nửa đầu năm, nay càng thêm khó khăn. Nhiều DN phải gồng mình để chống chọi với bão dịch, thậm chí có DN chỉ tồn tại, sống "lay lắt" chờ dịch qua đi. Các DN như du lịch, vận tải hành khách… chịu đòn "giáng" mạnh lần thứ 2 từ Covid-19; nhiều DN xin tạm dừng hoạt động, tạm dừng đóng thuế, thậm chí có nguy cơ phá sản, chưa biết bao giờ có thể quay trở lại thị trường.
Trong khi đó, DN dệt may cũng không "sáng sủa" hơn. Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 7/2020, nhiều DN dệt may gần như chưa có đơn hàng 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp. Trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu cánh" cho nhiều DN may trong quý II thì hiện tại, giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng năm 2020, gần 63.500 DN đã rút khỏi thị trường, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 33.000 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận lượng DN tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất kể từ năm 2015 đến nay…
Nỗ lực phục hồi
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, DN như gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm một số loại phí, lệ phí; gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, giảm 30% thuế thu nhập DN…, tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải. Trong đó, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội đến nay mới triển khai được hơn 11.000 tỷ đồng, đạt chưa tới 18%. Đây là tỷ lệ rất thấp và có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Tương tự, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương người lao động sau 2 tháng vẫn chưa có bất kỳ DN nào vay được vì không đủ điều kiện.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tất cả thành viên Chính phủ phải thống nhất quan điểm nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, giải pháp, đối sách phải chủ động linh hoạt, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Trong đó, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn, mạnh mẽ. Đặc biệt, chính sách tài khóa mở rộng với mức độ hợp lý để hỗ trợ kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu dịch Covid-19 kéo dài thì phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ lần 1 trước khi thiết kế chính sách hỗ trợ lần 2. Gói hỗ trợ lần 2 sẽ bao quát toàn diện các đối tượng, đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, gói này sẽ đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chat-vat-trong-bao-142632.html