Chặt 'vòi bạch tuộc cát tặc'
Đã có nhiều quản lý doanh nghiệp, cán bộ từ xã, huyện đến tỉnh 'ăn cát', được chia chác lợi ích từ cát bị kỷ luật hay xử lý hình sự nhưng sai phạm vẫn cứ xảy ra.
Gần đây, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang cùng 17 người khác có liên quan đường dây khai thác cát lậu, mua bán hóa đơn chứng từ, đưa và nhận hối lộ. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên; giải pháp nào để khắc phục trước mắt và lâu dài để không chỉ “cắt phần ngọn” là những câu hỏi cần trả lời ngay và thực thi hiệu quả.
Cũng như đất đai, cát là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Nếu như đất là “phần nổi” dễ nhận thấy, thì tài nguyên cát là “phần chìm” dưới lòng sông, thường “bị” coi là “của trời cho”. Lợi dụng các khe hở trong cơ chế quản lý, nhiều đối tượng, trong đó có những cán bộ có chức, có quyền cấu kết các doanh nghiệp làm ăn phi pháp để làm trái, trục lợi từ cát.
Việc cấp phép khai thác cát cho các chủ mỏ, theo quy định, dựa vào 4 điều kiện: Có dự án đầu tư, có khảo sát thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp quy hoạch, có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và chủ sở hữu có ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác cát. Quy định tưởng chừng chặt chẽ nhưng mới chỉ mang tính... thủ tục và dễ bị lợi dụng. Vì các chủ mỏ cát tranh thủ các mối quan hệ, hầu như thuê mướn pháp nhân để tiến hành thăm dò trữ lượng. Việc thẩm định, đặc biệt là theo dõi biến động quá trình khai thác của chủ mỏ gần như bỏ trống. Đây là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hoạt động khai thác cát lậu được hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, định danh nguồn gốc cát, biến giả thành thật.
Hàng loạt sai phạm trong cấp phép, quản lý, khai thác cát ở An Giang có thể chỉ là phần nổi trên những mỏ cát “chìm” còn ẩn ở một số địa phương khác cần tiếp tục bóc tách, làm rõ, xử lý cương quyết, triệt để để chặt đứt “vòi bạch tuộc cát tặc”. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần các giải pháp căn cơ, giải quyết vấn đề từ gốc. Trong đó, cần ưu tiên vá lại các “lỗ hổng” quản lý và có cách tiếp cận bền vững nguồn tài nguyên này. Đó cũng là cơ chế để bảo vệ cán bộ, khiến họ không dám, không thể trục lợi từ cát. Cần ngăn chặn từ đầu và định rõ trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm liên quan quản lý cát cũng như tăng cường phối hợp và minh bạch hóa hoạt động khai thác để người dân giám sát.
Đã đến lúc có một cuộc tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng cát thực tế chứ không chỉ dựa vào con số báo cáo... trên giấy. Các chủ mỏ cát phải trả tiền để được khai thác chứ không thể dựa vào số liệu tự công bố về trữ lượng cát tại các mỏ và trục lợi khi “bắt tay nhau” làm ăn phi pháp. Cần truy xuất nguồn gốc cát, lần theo đường đi của những tờ hóa đơn không xuất phát từ các mỏ cát được phép khai thác mà từ các vỏ bọc lợi ích ăn chia, hối lộ từ cát. Bên cạnh đó, cần đưa ra các yêu cầu bắt buộc định vị phương tiện khai thác cát, sử dụng triệt để các công nghệ, thiết bị theo dõi, nhận diện và truy nguyên nguồn gốc cát để loại trừ, góp phần quan trọng chống cát tặc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chat-voi-bach-tuoc-cat-tac-post703318.html