ChatGPT có thể xuất hiện trên ô tô và nhiều ngành nghề khác trong tương lai
Ông lớn General Motors đang muốn phát triển công nghệ tương tự ChatGPT trên ô tô của họ trong tương lai. Ngoài ô tô, công cụ chatbot ChatGPT và một số công nghệ AI khác đã và có thể sẽ xuất hiện trong nhiều ngành như du lịch, luật sư, y học,...
Ông lớn ngành ô tô của Mỹ là General Motors được cho là đang mở rộng quan hệ đối tác hiện có với gã khổng lồ Microsoft để tạo ra một trợ lý ảo giống như ChatGPT cho người lái xe, theo Business Insider.
Theo Semafor, nhà sản xuất các thương hiệu xe Chevrolet, Buick, GMC và Cadillac có trụ sở tại Michigan muốn sử dụng các khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI, đơn vị đứng sau chatbot ChatGPT gây bão trên toàn cầu trong suốt thời gian qua, để giúp phát triển trợ lý ảo tương tự cho các dòng ô tô trong tương lai.
Chatbot AI ChatGPT đã được sử dụng cho các bài tiểu luận, viết email, quảng cáo, viết mã (code),… cùng rất nhiều hình thức kể từ khi được phát hành vào tháng 11 năm ngoái.
Công cụ chatbot của OpenAI cũng được tích hợp vào phiên bản mới của Microsoft Bing vào tháng trước, qua đó giúp công cụ này tìm kiếm lấy lại vị thế trên thị trường các công cụ tìm kiếm và đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng ngày chỉ trong tuần này, đồng thời đe dọa vị thế của Google, đơn vị đã thống trị thị trường các công cụ tìm kiếm internet trong suốt nhiều năm qua.
Gã khổng lồ công nghệ Microsoft, công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào startup OpenAI, cũng đã hợp tác với GM vào năm 2021, khi nhà sản xuất ô tô này tìm kiếm sự hỗ trợ để cải thiện công nghệ tự lái của mình. Giờ đây, GM hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ hợp tác đó để kết hợp công nghệ đã giúp ChatGPT trở nên nổi tiếng, thành một trợ lý trong ô tô, có thể đáp ứng các mệnh lệnh bằng lời nói, Semafor đưa tin.
Các ví dụ được báo cáo bởi Semafor bao gồm một trợ lý ảo có thể làm nhiều thứ như mở video hướng dẫn "cách thay lốp khi bánh xe bị xẹp" hoặc có khả năng chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của đèn xe bằng cách cho biết liệu nó có cần được thay ngay lập tức hay có thể chờ đợi thêm.
Scott Miller, phó chủ tịch phụ trách hệ điều hành và phương tiện được xác định bằng phần mềm của GM, nói với Reuters rằng một trợ lý dựa trên ChatGPT có thể có khả năng đọc lại thông tin thường thấy trong sách hướng dẫn của chủ sở hữu hoặc được lập trình để sử dụng các chức năng như mã cửa nhà để xe.
Miller đã xác nhận với Semafor rằng GM đang phát triển một trợ lý AI và cho biết chatbot mới này có thể có khả năng thực hiện nhiều thứ hơn các lệnh thoại đơn giản đã được sử dụng trên ô tô GM trước đây.
“ChatGPT sẽ có mặt trong mọi thứ. Sự thay đổi này không chỉ là về một khả năng duy nhất như sự phát triển của khẩu lệnh, mà thay vào đó, khách hàng có thể mong đợi những chiếc xe tương lai của họ có nhiều khả năng hơn và mới mẻ hơn khi nói đến các công nghệ mới nổi”, ông Scott Miller chia sẻ. Hiện GM chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này.
Chatbot ChatGPT xuất hiện trong nhiều ngành nghề khác
Không chỉ ô tô, mà ChatGPT còn được xuất hiện và tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, Travel Weekly, một tạp chí trong ngành du lịch, đã thử nghiệm ChatGPT để so sánh các đề xuất du lịch mà công cụ này đưa ra với đề xuất do một cố vấn có nhiều năm kinh nghiệm đưa ra.
ChatGPT đã cung cấp câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi như "Khách sạn sang trọng tốt nhất ở Paris là gì?", nhưng vẫn còn thiếu một số sắc thái, thứ mà vị cố vấn có nhiều năm kinh nghiệm kia có được nhờ vào mối quan hệ cá nhân với khách hàng.
Ngoài ra, một thẩm phán ở Colombia đã sử dụng ChatGPT để đưa ra phán quyết của tòa án. Đây là trường hợp đầu tiên một tòa án thừa nhận sử dụng AI để đưa ra quyết định kết luận về một vụ án. Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia đã sử dụng công cụ AI để trả lời các câu hỏi pháp lý về vụ việc và đưa các câu trả lời của ChatGPT vào quyết định của mình.
Một luật sư về bất động sản ở New Zealand có tên James Peacock cũng đã nhờ ChatGPT viết di chúc. James Peacock đã giải thích cách AI hướng dẫn ông trong suốt quá trình, đưa ra các đề xuất khác nhau. Cuối cùng, ChatGPT không viết rra một di chúc “thực sự” cho ông, nhưng ông có thể giải quyết vấn đề đó bằng cách yêu cầu nó viết một di chúc giả định, điều mà ChatGPT đã làm rất tốt.
Một ví dụ khác có thể kể tới các bác sĩ và học giả, những người đã bắt đầu thử nghiệm khả năng chẩn đoán bệnh tình của bệnh nhân thông qua ChatGPT. Một bác sĩ, Jeremy Faust, đã miêu tả khả năng chẩn đoán của công cụ chatbot AI “tốt một cách kỳ lạ”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng không phải tất cả thông tin ChatGPT cung cấp đều chính xác. Trên thực tế, một số trong số đó hoàn toàn do chatbot “tạo ra”, có nghĩa là, với mức độ rủi ro cao trong y học, sẽ còn rất lâu nữa các bác sĩ mới hoàn toàn dựa vào AI để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.