ChatGPT gây bất ngờ khi có thể điều khiển tàu vũ trụ mô phỏng
Trong một cuộc thi gần đây nhằm đánh giá khả năng điều khiển tàu vũ trụ tự động của các hệ thống trí tuệ nhân tạo, ChatGPT – chatbot AI phổ biến ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) – đã thể hiện hiệu suất ấn tượng và giành vị trí thứ hai chung cuộc.
Kết quả này khiến nhiều chuyên gia sửng sốt và đặt ra câu hỏi về tiềm năng thực sự của AI trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tự động.
Theo Live Science, cuộc thi mô phỏng được tổ chức trong khuôn khổ “Kerbal Space Program Differential Game Challenge”, một sáng kiến khoa học lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử Kerbal Space Program. Đây là môi trường giả lập vũ trụ được cộng đồng khoa học sử dụng để thử nghiệm các thuật toán điều khiển tàu không gian và vệ tinh trong điều kiện gần với thực tế. Các kịch bản thi đấu đa dạng, từ truy đuổi mục tiêu trên quỹ đạo, né tránh bị phát hiện, đến định vị và điều hướng chính xác trong thời gian giới hạn.

ChatGPT gây bất ngờ khi điều khiển tàu vũ trụ mô phỏng, giành á quân, mở ra tiềm năng AI trong không gian - Ảnh: Getty
Một trong những nhóm nghiên cứu tham gia đã quyết định thử nghiệm khả năng điều khiển tàu vũ trụ của một mô hình LLM phổ biến, tương tự như ChatGPT và LLaMA. Họ chọn LLM thay vì các thuật toán truyền thống do đặc thù của cuộc thi như các nhiệm vụ kéo dài chỉ vài giờ, không đủ thời gian cho quá trình huấn luyện dài hạn và điều chỉnh phức tạp thường thấy trong mô hình học tăng cường. Trong khi đó, các LLM đã được huấn luyện sẵn trên lượng dữ liệu văn bản khổng lồ, có thể hiểu ngữ cảnh tốt và phản ứng linh hoạt chỉ bằng kỹ thuật nhắc lệnh (prompting).
Để mô hình này hoạt động như một “phi công ảo”, các nhà nghiên cứu xây dựng cơ chế chuyển đổi trạng thái thực tế của tàu vũ trụ và mục tiêu hoạt động thành văn bản tự nhiên. Ví dụ, các thông tin như vị trí hiện tại, tốc độ, góc định hướng và khoảng cách đến đích sẽ được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản. ChatGPT sẽ nhận đầu vào này và đưa ra các lệnh hành động dưới dạng gợi ý văn bản, như điều chỉnh hướng bay, giảm tốc, hoặc thay đổi quỹ đạo.
Tuy nhiên, để có thể vận hành tàu vũ trụ mô phỏng, những gợi ý này cần được chuyển đổi sang lệnh điều khiển kỹ thuật. Vì vậy, nhóm nghiên cứu còn phát triển một lớp dịch trung gian giúp biến đầu ra văn bản của mô hình ngôn ngữ thành mã điều khiển cụ thể tương tự như việc ChatGPT ra lệnh và hệ thống máy tính tự động hóa việc thực hiện.
Sau một số thử nghiệm, hiệu chỉnh và điều chỉnh lời nhắc phù hợp với kịch bản giả lập, nhóm nghiên cứu ghi nhận ChatGPT đã hoàn thành hầu hết các bài kiểm tra trong cuộc thi. Mô hình không chỉ điều hướng chính xác mà còn xử lý tình huống nhanh nhạy, thậm chí vượt qua nhiều phương pháp tiếp cận truyền thống. Theo đó, ChatGPT đứng thứ hai chung cuộc, chỉ sau một mô hình được tối ưu bằng các phương trình vi phân chuyên biệt.
Đáng chú ý, kết quả này đạt được khi mô hình còn sử dụng phiên bản cũ hơn của ChatGPT, trước cả thời điểm ra mắt GPT-4, phiên bản hiện đại hơn với khả năng xử lý nâng cao. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của các mô hình ngôn ngữ trong vai trò hỗ trợ hoặc thay thế con người trong những tình huống đòi hỏi khả năng quyết định tức thời, chẳng hạn như điều khiển vệ tinh trong môi trường ngoài không gian.
Lý do khiến AI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực vũ trụ là vì sự phức tạp và quy mô ngày càng tăng của các sứ mệnh. Trong tương lai, số lượng vệ tinh cần vận hành sẽ vượt khả năng điều khiển thủ công của con người. Hơn nữa, với các tàu vũ trụ thám hiểm không gian sâu, việc ra lệnh từ Trái đất bị giới hạn bởi độ trễ ánh sáng, khiến điều khiển thời gian thực không khả thi. Khi đó, robot cần khả năng tự đưa ra quyết định tại chỗ, và AI có thể là giải pháp hiệu quả.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước khởi đầu. Mô hình vẫn gặp hiện tượng “ảo giác” khi AI tạo ra phản hồi không chính xác hoặc vô nghĩa. Trong môi trường thực tế, những sai lệch như vậy có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần có cơ chế giám sát và xác minh đầu ra kỹ lưỡng trước khi triển khai vào sứ mệnh thực tế.