ChatGPT lại khiến thế giới kinh ngạc về khả năng ngôn ngữ và lập trình

Darktrace chỉ ra rằng công cụ ChatGPT do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022 có thể làm tăng mức độ phức tạp của các vụ lừa đảo qua thư điện tử (e-mail), cho phép tin tặc thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích với xác suất thành công cao hơn.

Nguy cơ lừa đảo tinh vi hơn qua sự hỗ trợ của ChatGPT

Ngày 8/3, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo Darktrace, sau khi ChatGPT ra mắt, không có sự gia tăng đáng kể nào về các cuộc tấn công mạng qua email nhằm vào khách hàng của công ty và số lượng email chứa liên kết độc hại đã giảm.

Tuy nhiên, các email đã làm tăng "độ phức tạp về ngôn ngữ", bao gồm dấu câu, độ dài và khối lượng văn bản. Điều này cho thấy tội phạm mạng có thể đang chuyển sự chú ý sang việc tạo ra các kỹ thuật lừa đảo tinh vi hơn để khai thác lòng tin của người dùng.

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng soạn văn xuôi, thơ hoặc mã theo yêu cầu trong vài giây. Đây hiện là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất với 57 triệu người dùng trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt và 100 triệu người dùng tính đến ngày 31/1. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề, bao gồm nguy cơ thông tin sai lệch và thiếu trung thực trong học thuật.

Đầu tháng 3/2023, Ủy viên Công nghiệp của Liên minh Châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết khối này sẽ thực hiện các quy định mới liên quan đến AI để giải quyết những lo ngại về rủi ro của ChatGPT và đảm bảo người dùng Châu Âu có thể tin tưởng vào công nghệ AI.

Trong khi đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn ở nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

ChatGPT đã tạo ra game hoàn chỉnh đầu tiên

Chatbot của OpenAI gần đây đã thể hiện khả năng của mình bằng cách tạo ra toàn bộ trò chơi giải đố, chỉ yêu cầu một vài mô tả của con người.

Trang Puzzled Penguin Substack do lập trình viên Daniel Tait tạo ra giới thiệu trò chơi đầu tiên do ChatGPT tạo ra có tên "Sumplete".

"Đó là một trò chơi giải đố nhỏ với các quy tắc tương đối đơn giản, trong đó người chơi xóa các số trên mỗi hàng/cột sao cho tổng của chúng bằng các số ở cạnh dưới và cạnh phải," Tate giải thích.

Cụ thể, trang web cho thấy cách anh ấy tương tác với ChatGPT để tạo ra một trò chơi hoàn toàn mới. Bắt đầu với một yêu cầu đơn giản là cung cấp danh sách trò chơi cho những người thích chơi Sudoku.

Sau khi được xem danh sách các trò chơi tương tự, Tate đã yêu cầu chatbot tạo một trò chơi hoàn toàn mới với logic tương tự như Sudoku. ChatGPT thực hiện điều này với một trò chơi giải đố có tên là Labyrinth Sudoku.

Sumplete.com hoàn toàn được thiết kế, lập trình và thậm chí đặt tên bởi ChatGPT

Lập trình viên Daniel Tait

Tate sau đó yêu cầu AI tiếp tục đưa ra các trò chơi giải đố mới. ChatGPT đã đưa ra một trò chơi có tên Sum Delete. Cuối cùng, anh yêu cầu ChatGPT tạo trò chơi thông qua hai ngôn ngữ lập trình web HTML và JavaScript.

Tate sau đó đã dành hàng giờ để tương tác với chatbot để cải thiện quy tắc và giao diện của trò chơi, bao gồm cả việc yêu cầu ngôn ngữ lập trình CSS bổ sung để thiết kế giao diện. Kết quả cuối cùng là một phiên bản đầy đủ của trò chơi Sumlete. Người dùng có thể chơi trò chơi hoàn toàn miễn phí trên trang web Simplee.com

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chatgpt-lai-khien-the-gioi-kinh-ngac-ve-kha-nang-ngon-ngu-va-lap-trinh-179230309165111576.htm