ChatGPT và lo ngại tư duy bị thui chột

Ngày 27/2, truyền thông Indonesia cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này đang tiến hành giám sát dịch vụ ChatGPT do công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển. 'Chúng tôi sẽ xem xét liệu ChatGPT có thâm nhập thị trường Indonesia hay không để đưa ra các quy định phù hợp. Nếu mục tiêu của ChatGPT là khai thác thị trường Indonesia, chúng tôi sẽ liên hệ và yêu cầu công ty đăng ký giấy phép nhà điều hành hệ thống điện tử. Nếu thuộc 6 loại nhà điều hành hệ thống điện tử và là dịch vụ trả phí, ChatGPT sẽ bắt buộc phải đăng ký theo quy định của chính phủ liên quan đến việc triển khai các hệ thống và giao dịch điện tử và quy định sửa đổi của Indonesia' - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết.

ChatGPT đang gây ra những cuộc bàn cãi sôi nổi trên thế giới. Nguồn: AFP.

ChatGPT đang gây ra những cuộc bàn cãi sôi nổi trên thế giới. Nguồn: AFP.

Tới nay, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ChatGPT đã trở thành cơn sốt toàn cầu. Đáng chú ý, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã chính thức yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho người dân, cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba.

Ngay tại Mỹ, “quê hương” của ChatGPT, ChatGPT đã bị cấm ở một số trường công tại New York và Seattle. Jonathan Choi - giáo sư trường Đại học Luật Minnesota (Mỹ) cho rằng dựa vào công cụ AI để làm bài tập về nhà đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ mất dần khả năng tư duy độc lập dẫn tới giảm hiệu quả học tập; ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ và năng lực học tập.

Tương tự, để ngăn ngừa việc sinh viên ỷ lại vào ChatGPT và tránh gian lận, nhiều trường học ở một số quốc gia đã có lệnh cấm sinh viên sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để làm bài tập ở nhà cũng như sử dụng trong kỳ thi ở trường, trong đó có Australia, Ấn Độ và Anh. Một trường đại học hàng đầu ở Pháp cũng đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, nếu như sinh viên nào bị bắt gặp sử dụng Chatbot vào học tập, thi cử sẽ bị phạt mức cao nhất, có thể là đuổi học, vì đó là hành vi gian lận.

Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ nhiệt tình cho ChatGPT, coi đó là xu hướng không thể đảo ngược, thì cũng nhiều ý kiến phản đối với lý do ChatGPT có những mặt trái tiềm ẩn. Nhật báo Le Figaro của Pháp viết: “Vĩnh biệt bài tập về nhà”, cho rằng đây sẽ là công cụ để học sinh sinh viên gian lận sao chép kiến thức, và điều đó sẽ khiến các nhà giáo dục “không thể cười được” vì cực khó khăn chứng minh việc người học đã nhờ cậy vào công cụ trí tuệ nhân tạo trong các bài tập, bài viết của mình.

“Việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, mà ở đây là ChatGPT, có thể khiến khả năng tư duy của con người bị thui chột” - bình luận trên trang Project Syndicate.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chatgpt-va-lo-ngai-tu-duy-bi-thui-chot-5710937.html