ChatGPT vấp nhiều lỗi sơ đẳng về Việt Nam, chuyên gia nói gì?
Trả lời không chính xác về dân số Việt Nam, nói nhân vật Chí Phèo giàu có, nhạy bén... là những gì đang xảy ra khi thử nghiệm với ChatGPT. Phần mềm này cũng tự nhận không thể tự động phân biệt được thông tin chính xác và không chính xác.
Ra mắt từ 30/11/2022, ứng dụng ChatGPT đã đạt tới hơn 100 triệu người dùng. Theo các chuyên gia đánh giá, ChatGPT đạt được lượng lớn người dùng bởi sản phẩm trí tuệ nhân tạo này được phát hành miễn phí. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng đi kèm với đó cũng có nhiều rủi ro khi ChatGPT đưa ra nhiều thông tin sai lệch.
Đơn cử, như câu hỏi "dân số Việt Nam năm 2021 là bao nhiêu", ChatGPT đưa ra số liệu là 96.208.984 người. Tiếp tục hỏi về "Dân số Việt Nam tính đến nay là bao nhiêu?", ChatGPT cho biết nền tảng này chỉ mới cập nhật thông tin đến năm 2021.
Nhưng cho dù số liệu về dân số Việt Nam năm 2021 được ChatGPT trả lời thì số liệu này là không chính xác hoàn toàn. Tìm trên trang web "www.gso.gov.vn" của Tổng cục thống kê, dân số Việt Nam năm 2021 là 98.506.190 người.
Chúng tôi thử nghiệm thêm một kiến thức có từ trước năm 2021 với nội dung: "Viết một bài văn về nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao". Câu trả lời hết sức thất vọng khi phần mềm này nói rằng Chí Phèo là nhân vật giàu có, tài giỏi, nhạy bén... Cách hành văn của ChatGPT cho câu trả lời này cũng khá trúc trắc.
Chúng tôi tiến hành một số thử nghiệm về địa danh, dòng sông, các cơ quan nhà nước và một số nhân vật tương đối nổi tiếng, dễ dàng tìm kiếm trên Google nhưng ChatGPT không có thông tin hoặc thông tin sai lệch.
Đặt câu hỏi "Chat GPT thu thập thông tin về các sự việc ở Việt Nam như thế nào?", phần mềm này trả lời: ChatGPT được sử dụng một lượng lớn dữ liệu text từ internet, kiến thức được tổng hợp đến năm 2021. Tuy nhiên, do số lượng dữ liệu lớn và tốc độ thay đổi của thế giới, cũng như không phân biệt được nguồn tin có đáng tin cậy hay không, nên có sự sai sót. Phần mềm ChatGPT cho biết sẽ tiếp nhận phản ánh các sai xót này qua email, trang mạng xã hội và ngay trên nền tảng ChatGPT.
Open AI (tổ chức công nghệ phát triển ChatGPT) cũng cho biết sẽ không nhận bất kỳ thiệt hại hoặc tổn thất nào có thể xảy ra do sử dụng hoặc tin tưởng vào thông tin cung cấp trên ChatGPT. Người dùng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng và áp dụng thông tin do ChatGPT cung cấp. Open AI khuyến cáo người sử dụng nên lấy nhiều nguồn thông tin khác nhau và kiểm tra chính xác thông tin trước khi quyết định hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin đó.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho hay: ChatGPT cũng giống như những trang tìm kiếm thông tin khác, có thể đúng hoặc sai. Nhưng nguy hiểm hơn, khi những thông tin được ChatGPT đưa ra với văn phong khá giống con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin mà ChatGPT đưa ra.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài khuyến cáo người dùng cần xác minh thông tin "chéo" với những trang tìm kiếm khác để kiểm chứng. Đi kèm với mặt tích cực, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán mạnh mẽ những thông tin sai lệch, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo, rửa bản quyền, đạo văn hay ảnh hưởng đến vấn đề chép bài của giới học sinh, sinh viên.
ChatGPT là một chatbot được hỗ trợ bởi AI, được lập trình để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Phần mềm này được phát hành vào cuối tháng 11/2022.
ChatGPT sử dụng công nghệ ngôn ngữ GPT-3.5 - một mô hình trí tuệ nhân tạo do chính OpenAI tạo ra, được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ nhiều nguồn khác nhau.
Samuel H. Altman cha đẻ của ChatGPT, cho biết chatbot này đã đạt mốc 1 triệu người dùng sau 1 tuần phát hành. Hiện ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng trên chatbot này.