Châu Á cần đi tiên phong trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Giai đoạn 10 - 20 năm tới có tính then chốt đối với thời kỳ chuyển đổi cục diện ở châu Á và trên thế giới, vì thế châu Á cần tiên phong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tinh thần hợp tác và liên kết theo hướng mở, bao trùm, công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 27 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 27 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 26/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 27 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Hội nghị lần này có sự tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Á như Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Lào, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Bangladesh, Tổng thống Sri Lanka, cùng hơn 500 đại biểu là đại diện Chính phủ các nước, các cơ quan nghiên cứu, học giả và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Với chủ đề "Định hình vai trò của châu Á trong một thế giới chia tách", Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình thế giới, khu vực và các giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò của châu Á trong duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhằm ứng phó hiệu quả với những biến chuyển to lớn và nhanh chóng của thế giới.

Hội nghị lần này có sự tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Á - Ảnh: VGP/Hải Minh

Hội nghị lần này có sự tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Á - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá khu vực châu Á đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc mang tính lịch sử với bốn dòng chảy chính hết sức sâu rộng, bao gồm: (i) sự nổi lên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại, tạo cơ hội phát triển đột phá-đó là kỷ nguyên số; (ii) hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, song thế giới và khu vực đang phải đối mặt với sự gia tăng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, nguy cơ phân tách và đối đầu; (iii) tương quan sức mạnh chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đa trung tâm, trong đó khu vực châu Á tiếp tục là một trung tâm quyền lực kinh tế-chính trị-công nghệ toàn cầu; (iv) đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng toàn cầu với quy mô sâu rộng và hệ lụy toàn diện trên mọi cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới, đẩy nhanh các chuyển dịch lớn đã diễn ra kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Nhấn mạnh khu vực châu Á đã cùng nhau vượt lên và vươn lên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng giai đoạn 10 - 20 năm tới có tính then chốt đối với thời kỳ chuyển đổi cục diện ở châu Á và trên thế giới.

Dự báo từ nay đến năm 2030, khu vực châu Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất và tỉ trọng đóng góp vào GDP toàn cầu sẽ tăng từ 45% GDP hiện nay lên hơn 50%.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá khu vực châu Á đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc mang tính lịch sử với bốn dòng chảy chính hết sức sâu rộng - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá khu vực châu Á đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc mang tính lịch sử với bốn dòng chảy chính hết sức sâu rộng - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu một số đề xuất quan rọng nhằm tăng cường hợp tác, duy trì thịnh vượng ở cấp độ khu vực, toàn cầu và phát huy vai trò của châu Á.

Trước hết, khu vực cần tăng cường trách nhiệm gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thịnh vượng trên cơ sở mẫu số chung là hợp tác, hiểu biết, lòng tin và trách nhiệm.Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, thì trên hết và trước hết các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với các vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Đối với vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai là,châu Á cần tiên phong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tinh thần hợp tác và liên kết theo hướng mở, bao trùm, công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ. Cần có cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng cấp bách; tăng cường hợp tác, lòng tin giữa các nước châu Á, nâng cao năng lực thích ứng, tự cường trước những biến đổi mau lẹ của tình hình.

Ba là, các nước cần nỗ lực cùng nhau bảo đảm các nền tảng thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng của các quốc gia và khu vực châu Á, từ đó tiếp tục duy trì vai trò của châu Á là một động lực then chốt của tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, các nước cần xây dựng kinh tế tự cường gắn với hội nhập quốc tế, có khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài; phối hợp xử lý các vấn đề mới, các thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Bốn là,với vị thế một trong những khu vực đi đầu về công nghệ số và chuyển đổi số, Châu Á cần tiên phong khởi xướng, thúc đẩy các động lực mới cho phát triển như khoa học công nghệ, công nghệ số, tăng trưởng xanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, quan tâm và tạo thuận lợi về thể chế, nguồn lực, năng lực để khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành một động lực tăng trưởng nội sinh mạnh mẽ.

Năm là,châu Á cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và liên kết với các khu vực và các đối tác then chốt trên thế giới.Sự phục hồi hậu COVID của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản đối với thịnh vượng và phồn vinh của châu Á, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Nhật Bản đã đi đầu thúc đẩy các ý tưởng và là mắt xích then chốt trong cấu trúc liên kết kinh tế, các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khôi phục chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ đối tác chiến lược rộng mở, tin cậy giữa Việt Nam và Nhật Bản, Phó Thủ tướng khẳng định hai nước có nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển bền vững ở châu Á và trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ Việt Nam ưu tiên phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; xác định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển; luôn chú trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh.

Với mong muốn xây dựng môi trường hòa bình ổn định ở châu Á và trên thế giới, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương; tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Việt Nam đã đưa ra cam kết ở mức rất cao tại Hội nghị COP26 nhằm chia sẻ trách nhiệm hướng tới phát triển xanh, bền vững. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức an ninh lương thực, Việt Nam tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu nông sản và lương thực./.

Hải Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chau-a-can-di-tien-phong-trong-thuc-day-chu-nghia-da-phuong-102220526184514588.htm