Châu Á chứng kiến 3 thảm họa chết người liên tiếp xảy ra chỉ trong 1 tháng
Chỉ trong tháng 10, Châu Á liên tiếp đón nhận 3 vụ thảm kịch chết chóc với số người tử vong lên tới hàng trăm người.
Tháng 10 vừa qua, cả châu Á bàng hoàng khi liên tục chứng kiến 3 thảm kịch liên tiếp khiến hơn 400 người ra đi mãi mãi. Bắt đầu từ vụ bạo loạn sân cỏ ở Indonesia cho đến thảm kịch giẫm đạp Itaewon (Seoul) và cuối cùng là sập cầu treo ở Ấn Độ. Cả 3 thảm kịch đều số người tử vong lên đến con số kinh sợ - hàng trăm.
Mặc dù mỗi vụ việc là một tình huống khác nhau, song chuyên gia cho rằng nguyên nhân cuối cùng của cả 3 sự việc đều thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác kiểm soát đám đông.
Bạo loạn sân vận động bóng đá ở Indonesia
Ngày 1/10, vụ bạo loạn diễn ra tại 1 sân vận động bóng đá khiến 135 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em. Sau khi trận bóng kết thúc, không hài lòng với tỉ số trận đấu, các cổ động viên đã tràn xuống sân cỏ tìm các cầu thủ để hỏi lý do thua và trút giận.
Trong lúc bạo loạn leo thang, sau đó cảnh sát đã áp dụng biện pháp xịt hơi cay khiến hàng nghìn cổ động viên hoảng loạn tìm lối chạy ra ngoài. Do đó dẫn đến tình trạng giẫm đạp lên nhau chạy về phía cổng số 10 và 12. Cuối cùng thảm án khiến hàng trăm người chết diễn ra.
Sau thảm kịch, Tổ chức An toàn Thế giới ở Indonesia, khẳng định vụ việc bộc lộ khả năng kém của lực lượng an ninh khi không có kế hoạch hành động thích hợp trong trường hợp khẩn cấp.
“Các kế hoạch này nên bao gồm các tuyến đường sơ tán và quản lý đám đông để kiểm soát những tình huống hoảng loạn”, ông Ramli - Chủ tịch Tổ chức An toàn Thế giới ở Indonesia, nói.
Các nhà chức trách Indonesia cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa tại sân cỏ hôm 1/10 là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm sân vận động vượt quá sức chứa, yếu kém trong lập kế hoạch đảm bảo an toàn, cũng như thiếu liên lạc giữa ban tổ chức và cảnh sát. Tuy nhiên, trong đó nguyên nhân chủ yếu được đội điều tra do Tổng thống Indonesia thành lập kết luận ra do hơi cay.
Quan chức cho rằng không có gì ngạc nhiên khi hơi cay chính là nguyên nhân gây ra thảm họa. Vì trong môi trường hàng nghìn người, đông kín người, hơi cay sẽ kích động, tạo ra xu hướng bạo động chốn trả của đám đông và cuối cùng dẫn đến thảm họa chết người.
Thảm kịch giẫm đạp chết chóc ở Itaewon, Hàn Quốc
Theo truyền thông đưa tin, hôm 29/10, khu phố Tây Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) đón hơn 100.000 người cùng lúc đổ về để tham dự lễ Halloween tự phát. Đám đông chen chúc trong con hẻm nhỏ và dốc, đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, xô đẩy, chèn ép lên nhau. Hậu quả, đêm Halloween ở Itaewon đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khi cướp đi mạng sống của 156 người, hầu hết đều là thanh niên ở độ tuổi 20.
Theo Milad Haghani - nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales (Sydney), nhận định nguyên nhân dẫn đến thảm họa ở Itaewon hôm 29/10 vừa qua được cho là hiệu ứng domino. Cụ thể, khi mật động đám đông đạt đến mức báo động, nhiều người có thể ngã xuống, từ đó dẫn đến hiệu ứng ngã chèn ép lên nhau, như những quân cờ domino xô đổ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thảm họa Itaewon có thể được phòng ngừa, hoặc ít nhất là có thể thảm thiểu số lượng người tử vong nếu lực lượng cứu hộ "dày" và hành động kịp thời.
Vào 11 giờ 30 phút trưa ngày 1/11, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee Keun đã lấy làm tiếc và đau lòng về thảm họa xảy ra ở Itaewon, nhận trách nhiệm trước những nạn nhân, gia quyến và những người bị thương, cùng toàn thể người dân cả nước.
Trong khi đó, Hong Ki Hyun, lãnh đạo bộ phận quản lý trật tự công cộng của cảnh sát quốc gia Hàn Quốc thừa nhận lực lượng này không lường trước được con số thương vong lớn trong thảm họa giẫm đạp tại Itaewon hôm 29/10.
Sập cầu treo ở Ấn Độ
Vụ sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ hôm vào hôm 30/10 khiến 141 người thiệt mạng. Con số người chết ám ảnh đến mức được đánh giá là thảm kịch chết chóc lớn nhất lịch sử Ấn Độ trong vòng 1 thập kỷ qua. Được biết, vào chiều hôm xảy ra thảm kịch, có khoảng 500 người đã đứng trên cầu Morbi hơn 140 năm tuổi ở bang Gujarat, miền tây nước này để chào đón Lễ hội Ánh Sáng.
Nguyên nhân vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra triệt để. Điều đáng nói là cây cầu này chỉ mới đi vào hoạt động 5 ngày sau 6 tháng tiến hành bảo trì trước đó. Cảnh sát bang Gujarat đã bắt tạm giữ 9 nghi phạm được cho là người chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý cây cầu.
Đặc biệt, dư luận Ấn Độ đang phẫn nộ trước những cáo buộc cho rằng tham nhưng là nguyên nhân chính gây ra vụ sập cầu. Theo truyền thông đưa tin, chính quyền bang Gujarat đã giao hợp đồng sửa chữa cây cầu treo này cho một công ty địa phương mang tên Oreva - công ty chuyên sản xuất đồng hồ và đèn chiếu sáng. Không có bằng chứng nào cho thấy Oreva có kinh nghiệm sửa chữa cầu hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác.