Châu Á đang là 'điểm nóng' dịch bệnh COVID-19 của thế giới
Châu Á đã vượt châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số 52.599.200 ca nhiễm và 714.758 ca tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 174.350.421 ca, trong đó có 3.751.233 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 298.458 trường hợp mắc COVID-19 và 7.345 ca tử vong.
Ngày 7/6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 85 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà giảm.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.224.283 ca, trong đó có 612.623 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - quốc gia từng là tâm dịch của thế giới - đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày.
Đến nay, châu Á đã vượt châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tổng số 52.599.200 ca nhiễm COVID-19 và 714.758 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 46.925.905 ca nhiễm và 1.079.729 ca tử vong. Bắc Mỹ đã ghi nhận gần 39.994.609 ca nhiễm và 902.956 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã có 29.785.747 ca nhiễm và 917.734 ca tử vong.
Liên quan đến tình hình dịch tại Ấn Độ, nước này cho biết đã ghi nhận 100.636 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 7/6, mức thấp nhất trong 62 ngày qua. Trước thực tế là số ca nhiễm mới đã giảm mạnh từ mức cao điểm hơn 400.000 ca/ngày hồi đầu tháng 5, thủ đô New Delhi cũng như nhiều thành phố khác đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để từng bước nối lại hoạt động đi lại và kinh doanh từ ngày 7/6. Nhiều thành phố lớn tại Ấn Độ đã mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, cùng ngày, chính quyền tỉnh Okinawa của Nhật Bản bắt đầu đóng cửa nhiều trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở trẻ em. Biện pháp này có hiệu lực đến ngày 20/6 tới, cùng thời gian với lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Okinawa.
Chính quyền Okinawa đưa ra quyết định trên sau khi ghi nhận các ổ dịch ở nhiều trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em. Cuối tháng 5 vừa qua, Okinawa từng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát với 335 ca, trong bối cảnh đợt dịch đang lây lan mạnh nhất ở Nhật Bản.
Hôm qua, Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc) cũng đã có quyết định siết chặt quản lý khu giáp ranh với tỉnh Quảng Đông trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại tỉnh miền Đông Nam Trung Quốc này.
Theo Trung tâm Điều phối và đối phó với virus SARS-CoV-2 của Macao, bắt đầu từ 10h ngày 8/6, tất cả những người muốn qua lại giữa Macao và Quảng Đông phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 48 giờ thay vì 7 ngày trước. Trong thời gian tới, những người qua lại giữa hai khu vực này cũng có thể sẽ cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tại châu Âu, từ ngày 7/6, Tây Ban Nha bắt đầu mở cửa biên giới cho tất cả những người đã được tiêm chủng, với kỳ vọng hồi sinh lĩnh vực du lịch sau những tổn hại mà đại dịch COVID-19 gây ra. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias khẳng định Tây Ban Nha là điểm đến an toàn và đang trong tiến trình tái khẳng định “ngôi vương” ngành du lịch của thế giới.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Anh, 100 cựu lãnh đạo thế giới đã gửi thư kêu gọi nhóm này hỗ trợ tài chính cho chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Ông Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết tổ chức này đang đàm phán với các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về vấn đề quyên góp tài chính và vaccine phòng COVID-19 cho chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do WHO khởi xướng.
Tại Anh, các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, Bumble và Hinge đã khởi động chiến dịch khuyến khích người dân đăng nội dung "Tôi đã tiêm chủng" trên hồ sơ của mình, trong bối cảnh quốc gia này đang triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 tới giới trẻ. Bộ Y tế Anh cho biết trong hoạt động hợp tác với chính phủ, các ứng dụng trên cung cấp các nhãn dán đặc biệt và thưởng tiền cho những người dùng đăng nội dung đã tiêm phòng COVID-19.