Châu Á tạm thời thoát cảnh thiếu điện

Châu Á có thể tạm 'thở phào nhẹ nhõm' khi nỗi lo thiếu điện vào mùa đông phần nào được xoa dịu nhờ một số yếu tố nhất thời.

Điều kiện thời tiết ôn hòa và sự phục hồi của tồn kho dự trữ than và khí đốt đang giúp châu Á đẩy lui tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Tồn kho than của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, trong khi các công ty tiện ích của Nhật Bản hiện đang có lượng dự trữ khí đốt cho thời điểm này trong năm ở mức cao nhất kể từ năm 2016, Bloomberg đưa tin.

Thực ra, tình trạng thiếu than và khí đốt ở châu Á đã bắt đầu kể từ mùa đông trước. Nhưng cuộc khủng hoảng nhiên liệu trở nên trầm trọng hơn trên quy mô toàn cầu vào khoảng tháng 10 năm nay khi nhu cầu năng lượng tăng vọt trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.

Điều đó dẫn đến hàng loạt dự báo về nhu cầu dầu tăng khi dầu thô và các sản phẩm từ dầu được sử dụng cho sản xuất điện.

Việc nguồn cung bị thắt chặt dẫn đến giá than và khí đốt tăng cao cũng khiến các lựa chọn thay thế như dầu nhiên liệu (FO) trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc sử dụng dầu thay cho khí đốt vẫn chưa có gì ấn tượng, Energy Aspects Ltd. cho biết trong một báo cáo vào cuối tháng trước.

Do đó, công ty tư vấn này đã cắt giảm dự báo trước đó về nhu cầu dầu ở châu Á, với mức giảm 25.000 thùng/ngày, xuống còn 95.000 thùng/ngày, phần lớn là do tiêu thụ dự kiến ở Nhật Bản thấp hơn.

Mặc dù vậy, giờ mới là đầu mùa đông và châu Á vẫn chưa trải qua những tháng lạnh giá nhất, thường là tháng 1 và tháng 2. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng đột biến trong thời gian tới và nhanh chóng làm cạn kiệt tồn kho.

Lường trước tình hình, Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng dự trữ dầu FO. Theo Công ty phân tích dữ liệu Kpler, nền kinh tế số 3 thế giới dự kiến tăng lượng mua dầu FO trong tháng này lên khoảng 227.000 tấn, tăng gần gấp 8 lần so với tháng 10.

Trong khi đó, Pakistan và Bangladesh tăng cường mua dầu vào đầu năm nay, sau khi giá khí đốt tăng vọt.

Trung Quốc cũng đã thành công ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiềm tàng về nguồn cung dầu diesel sau khi chủ động tăng sản lượng.

Mặc dù nỗi lo thiếu điện cho mùa đông đã phần nào được xoa dịu, châu Á vẫn đang đối mặt với khả năng nhiệt độ xuống dưới mức bình thường sau sự hình thành của kiểu thời tiết La Ninã.

Thời kỳ lạnh giá nhất sẽ rơi vào tháng 1/2022, và thời tiết sẽ đặc biệt lạnh hơn trên khắp khu vực Đông Bắc Á, Todd Crawford, giám đốc khí tượng của công ty dự báo thương mại Atmospheric G2, cho biết.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Business World)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chau-a-tam-thoi-thoat-canh-thieu-dien-a536932.html