Châu Á trước những hình thái thời tiết trái ngược

Suốt nhiều tháng qua, châu Á ghi nhận thiên tai do mưa lũ, nắng nóng gây ra. Giới khoa học khí tượng thủy văn quốc tế nhận xét: Châu Á đã và đang tiếp tục diễn ra những hình thái thời tiết trái ngược từ hậu quả của biến đổi khí hậu.

Hai người đàn ông đang cố gắng vận chuyển đồ đạc tới khu vực cao hơn ở Charsadda, tây bắc Pakistan.

Hai người đàn ông đang cố gắng vận chuyển đồ đạc tới khu vực cao hơn ở Charsadda, tây bắc Pakistan.

Về mưa lũ, Pakistan là quốc gia châu Á điển hình với “những trận mưa thế kỷ”. Cuối tuần qua, người dân nhiều nơi ở quốc gia này đã phải dựng hàng rào để ngăn dòng nước dâng cao, khi mà gần 1/3 diện tích cả nước bị nhấn chìm do mưa lũ. Ngày 11/9, thông báo chính thức của Chính phủ Pakistan cho biết, đã có tới 1.395 người thiệt mạng do mưa lũ; 12.728 người bị thương; 1.743.345 ngôi nhà bị phá hủy. Từ tháng 6 đến nay, mưa lũ đã lấy đi của Pakistan hơn 18 tỷ USD, làm gián đoạn cuộc sống của gần 33 triệu người trong tổng số 220,9 triệu dân.

Nói với truyền thông, ngày 11/9, người dân ở thị trấn Bhan Syedabad (tỉnh Sindh) cho biết, những ai may mắn thì mới chạy thoát khỏi nơi này. “Mưa vắt từ ngày này sang ngày khác, nước sông lên quá cao tràn vào thị trấn. Cách chỗ chúng tôi không xa, hồ nước ngọt Manchar lớn nhất đất nước luôn đe dọa vỡ bờ”.

Theo cơ quan Khí tượng Pakistan, lượng mưa ở tỉnh Sindh cao hơn 466% so với mức trung bình trong vòng 10 năm. Còn tại thung lũng Kalam (miền bắc Pakistan), nước vây hãm tứ bề khi mà lượng mưa lên tới 391 mm, tăng 190% so với mức trung bình trong 30 năm qua.

Các đợt lụt khủng khiếp đã phá hủy mùa màng trên tổng diện tích hơn 3,3 triệu ha. Hiện Bộ An ninh Lương thực quốc gia Pakistan đã tính đến khả năng hỗ trợ cho lúa mì trong niên vụ tới. Chính phủ Pakistan dự kiến, nghèo đói và thất nghiệp sẽ tăng cao, từ 21,9% lên hơn 36% vào thời điểm cuối năm. Theo đó, khoảng 37% dân số cả nước bị rơi vào cảnh đói nghèo sau lũ lụt ở 118 quận huyện (tính đến ngày 11/9).

Cơ quan Khí tượng Pakistan cho biết, nước này đã trải qua “tháng 8 ẩm ướt nhất trong lịch sử” kể từ khi số liệu khí tượng bắt đầu được thu thập vào năm 1961. Lượng mưa trên toàn quốc cao hơn tới 243% so với mức trung bình hàng năm. Các tỉnh như Balochistan, lượng mưa tháng qua cao hơn trên 590%, còn tại tỉnh Sin (Sindh), là hơn 726% so với mức trung bình.

Đáng sợ là trong những ngày đầu tháng 9, mưa vẫn không dứt. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA) tối 10/9 cho biết, tỉnh Balochistan tây nam nước này là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là tỉnh Sindh ở miền nam và tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở phía tây bắc. Trong khi đó, dự báo mưa to gió lớn tiếp tục diễn ra trong 5 ngày tới ở nhiều khu vực trên cả nước, nhất là ở khu vực tỉnh Sindh, Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở nước này.

Trong khi đó, nắng nóng khắc nghiệt lại diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ngày 10/9, Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc cho biết, đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè năm nay ở mức kỷ lục, trong khi đó lượng mưa trung bình giảm 23% xuống 82 mm, mức thấp thứ 3 kể từ khi các chỉ số thời tiết được thống kê vào năm 1961.

Nắng nóng đã gây ra hạn hán trên diện rộng ở các vùng dọc sông Dương Tử, tây nam Trung Quốc, miền đông và trung Tây Tạng. Hạn hán kỷ lục đã khiến nhiều con sông ở Trung Quốc, bao gồm cả một số vùng của sông Dương Tử, bị khô cạn, ảnh hưởng đến thủy điện, trong đó có tỉnh Tứ Xuyên, nơi hơn 80% năng lượng đến từ thủy điện.

Còn tại Ấn Độ, truyền thông nước này mô tả “nắng nóng có thể khiến Ấn Độ thành vùng đất chết”. Mùa hè năm nay, tại thủ đô New Delhi, nhiệt độ liên tục vượt ngưỡng 45 độ C. “Nền nhiệt này rất khó để người dân có thể chịu đựng được” - một người lái xe kéo ở thành phố Amritsar (bang Punjab) nói. Anh cho biết, mọi hoạt động hầu như tê liệt từ khoảng 10 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. “Đường phố vắng vẻ đến kỳ lạ. Còn trên những cánh đồng ngoại thành không một bóng người”.

Theo các nhà nghiên cứu thời tiết, nguyên nhân chính dẫn tới các hình thái thời tiết trái ngược tại châu Á là tính chất cực đoan của thời tiết ngày một rõ rệt hơn. “Hiện tượng này cũng xảy ra ở châu Âu, châu Mỹ nhưng châu Á là điển hình. Biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất khiến thời tiết thay đổi không còn theo quy luật như từ trước tới nay, khiến các dự báo khó chính xác từ đó dẫn đến thiệt hại lớn hơn rất nhiều”- Michelle Lee, chuyên gia thời tiết từ Trung tâm Bão quốc gia (NHC) - bộ phận của Cục Thời tiết quốc gia Hoa Kỳ đưa ra nhận xét.

Châu Á là một động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là một khu vực quan trọng cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới sản xuất, cung cấp và bán hàng. Các cảng và sân bay của châu Á là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới và rất quan trọng đối với dòng chảy của hàng hóa trên khắp hành tinh. Vì vậy, thảm họa biến đổi khí hậu ở châu Á có thể gây ra những ảnh hưởng gợn sóng toàn cầu. Trong vòng 10 năm, thiệt hại trung bình do các thảm họa thiên tai gây ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính khoảng 76 tỷ USD một năm. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), con số đó cao hơn gấp đôi so với thập kỷ trước đó.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-a-truoc-nhung-hinh-thai-thoi-tiet-trai-nguoc-5696342.html