Châu An Thuận, Thầy Quẹo và tôi
Cánh tay tật nguyền và giấc mơ thời thơ ấu không làm tôi gục ngã, trái lại là động lực đã đưa tôi từ thành công này đến thành công khác. Thành công không có gì khó khăn đối với người bất hạnh, khi họ đã có ý chí và nghị lực
Tôi sinh ra vào đầu mùa hạ năm Nhâm Thìn 1952. Ông bà xưa vẫn thường nói trong thập thiên can, thập nhị địa chi tốt nhất là nam Nhâm, mà lại là Nhâm Thìn nữa thì cái số tôi phú quý biết chừng nào.
Vừa chào đời đã khổ
Vậy mà sau 2 tiếng "khổ a" chào đời, tôi đã khổ rồi. Tôi không chịu bú và khóc ròng rã suốt 1 tháng trời. Ngày cũng như đêm, má phải ấp tôi vào ngực, tựa đầu vào vai để tôi khóc, khóc tới khi nào mệt lả mới chịu nút một vài hơi sữa rồi thiếp đi. Họa hoằn khi ấy má tôi mới tìm được một giấc ngủ nhưng rồi cũng vội vàng thức ngay sau đó khi tôi bật khóc tiếp.
Cả nhà từ ông bà nội, ba tôi và các anh chị thương má vô cùng nhưng chẳng biết làm sao hơn, chỉ biết cắn răng dằn tiếng thở dài. Thương quá hóa giận, có một lần bà nội tôi lớn tiếng: "Bây mà nuôi nó sống cứ lấy dao phay mà chặt cột nhà tao, tao ra chuồng heo mà ngủ".
Sau những tháng ngày bồng ẵm, má tôi gầy guộc, sắp kiệt sức thì tôi bớt khóc. Cả nhà vừa mừng vừa sợ. Ba tôi chạy ra chợ mướn một chiếc xe ngựa đưa tôi tới nhà ông thầy Chín ở ngã ba Tân Lân, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để trị bệnh. Tôi có cái tên Châu An Thuận do ông thầy Chín đặt từ đó.
Sau lần được thầy Chín làm phép và đặt tên, bệnh khóc của tôi bớt từ từ. Cả nhà mừng lắm. Má tôi đều đặn mỗi tháng một lần đem tôi tới ông thầy Chín để làm phép, tất nhiên là phải bỏ ra một số tiền kha khá. Tuy vậy, cả nhà đều vui.
Ba tôi sẵn tiền lời khấm khá của nghề làm bánh phồng, ông không ngại đãi đằng bạn bè, bà con chòm xóm nhậu nhẹt từ ngày này qua ngày nọ. Má tôi tuy không thích chuyện tụm năm tụm ba nhưng cũng lấy niềm vui của ông làm niềm vui chung. Sau mỗi lần đi nhậu về ba tôi thường hay săm soi cơ thể tôi thật lâu rồi lặng lẽ đi ngủ.
Tuổi thơ buồn
Bỗng một hôm cũng sau khi đi nhậu về ba tôi hầm hầm vác cái phảng chém rạ đi đâu mất từ xế trưa tới tối mịt mà vẫn chưa về. Ông bà nội, các anh tôi chạy kiếm ông khắp nơi cũng không thấy tăm hơi. Cả nhà đang hoảng hồn hoảng vía không biết đã xảy ra chuyện gì thì ba tôi lục tục vác cái phảng về. Nét mặt đen sạm của ông qua bao nhiêu mùa mưa nắng trên ruộng đồng vẫn không che giấu được cơn giận. Ông hậm hực: "Nó biết tui kiếm nên trốn mất biệt tự đời nào, nếu không chắc tui cho nó một phảng vô giò để lấy thẹo quá!".
Nó là bà Tân mụ vườn đã đỡ đẻ tôi. Số là do đi nhiều nơi ăn nhậu, thiên hạ bàn ra tán vô cái bệnh khóc của con nên ông hiểu ra rằng tôi không phải mắc con "xác" hay bị con "tà" nào nhập hết mà chính bà mụ Tân nắm hai chân kéo ẩu cái bào thai nằm ngược làm trật khớp cơ xương thượng chi vai trái. Vì vậy sau khi sinh ra, tôi đau nhức mà khóc ròng rã đêm ngày.
Kể xong, ba tôi dắt mọi người lại chỗ tôi đang nằm ngủ. Mọi người tá hỏa khi thấy rõ vai trái của tôi lép xẹp, nhỏ hơn vai phải tám mười.
Chuyện đã rõ mười mươi nhưng má tôi tháng nào cũng xuống nhà ông thầy Chín để thay cái bùa hình tam giác đem về cho tôi đeo trước ngực. Tôi không nhớ thôi đeo cái bùa này lúc nào nhưng nhớ rất rõ chưa tới ngày thay bùa thì tôi đã nhai hết cái miếng vải hình tam giác đó rồi.
Tôi lớn lên với cánh tay trái tật nguyền, trong đôi tay đùm bọc yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh chị.
Ba tôi thương đứa con tật nguyền này lắm, mỗi lần đi bán bánh phồng ở chợ Cầu Ông Lãnh (TP HCM) về cũng mua vài chai Calcigenol - một loại thuốc bổ chứa nhiều calci ở dạng lỏng có màu trắng đục đóng chai, với hy vọng mong manh là phục hồi các khớp xương vai tôi.
Nhưng niềm hy vọng cả nhà nhỏ lại dần cùng với vai và tay trái tôi, chúng càng ngày càng teo lại theo thời gian. Và thời gian cũng làm lớn lên những hờn tủi khi tôi tiếp cận với xã hội bằng đôi cánh tay bất xứng của mình. Tuổi thơ tôi vì thế mà buồn nhiều hơn vui.
Nuôi chí vươn lên
Tôi thường bị gục ngã trước những đòn thù trí mạng của lũ trẻ hàng xóm cùng trang lứa mỗi khi chúng cãi lý không lại. Chúng hùa nhau bêu riếu cái tên "Thầy Quẹo, Thầy Quẹo" rồi nhảy nhót, hò hét hả hê...
Kẻ chiến bại là tôi phải bịt kín đôi tai chạy lẹ về ngồi bó gối ở một góc nhà. Trong tận cùng nỗi tủi thân, tôi ước ao có Phật Bà Quan Âm trong bộ trang phục toàn trắng, tay cầm tịnh bình rưới nước cam lồ xuống vai và tay trái để thân thể tôi trở lại bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác trong xóm. Tôi chờ đợi rồi thiếp đi trong niềm hạnh phúc bất ngờ đó.
Trong giấc mơ tôi thấy mình chơi đùa bình thường như bao đứa trẻ khác. Tôi khoe với bọn trẻ về cơ duyên gặp Phật Bà Quan Âm và điều làm tôi vui mừng nhất là bọn trẻ hứa sẽ không bêu riếu cái tên "Thầy Quẹo" nữa.
Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bỗng lửa từ đâu cháy tới thiêu đốt thân thể tôi. Tôi cố chạy nhưng hai chân giờ đây đã khuỵu lại, cái chết từ từ đến. Tôi nhắm mắt lại chờ đợi và… giật mình thức giấc. Cái nắng hừng hực, hanh khô xế trưa tháng 3 xuyên qua cửa sổ nhà đã lấy đi niềm hạnh phúc vô biên của tôi. Tôi mở to mắt nhìn đi nhìn lại cánh tay trái vẫn y nguyên như cũ.
Vậy là không có Phật Bà Quan Âm rồi. Tôi chợt nhận ra điều đó sau giấc mơ trưa hôm ấy. Tôi lờ mờ hiểu thêm rằng chắc trên đời này không ai có thể làm lành lặn cánh tay tật nguyền của tôi và nó phải theo tôi suốt cả cuộc đời. Để tự tin trước lũ trẻ hàng xóm, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng nuôi ý chí làm sao hơn chúng nó để bù đắp vào cánh tay tật nguyền. Tôi bắt đầu học đánh vần, làm bốn phép tính từ những quyển sách cũ của các anh tôi.
Tôi vẫn cùng bọn trẻ trong xóm tìm chơi với nhau suốt những năm thời thơ ấu cho đến mùa khai trường năm 1960, cả bọn cùng được ba má dẫn tới trường. Trong khi cả bọn vào học lớp năm (tương đương lớp 1 bây giờ) thì tôi lại nhảy vọt lên lớp ba sau câu nói như ra lệnh của bà Trưởng giáo Tám trường sơ cấp Rạch Đào với ba tôi: "Con của anh nó biết hết trơn rồi mà học lớp năm nỗi gì, ngày mai tôi cho nó lên lớp ba học với cô giáo Trầm".
Lần đầu tiên, cánh tay tật nguyền đã cho tôi cái kết quả mà bản thân và gia đình tôi không ngờ. Hai năm sau, tôi cùng với 250 học sinh vinh dự vào học lớp đệ thất (tương đương lớp 6) Trường Trung học công lập quận Cần Đước (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) trong kỳ thi tuyển có gần 2.000 học sinh từ 17 xã trong quận.
Thành công tiếp nối những thành công trong những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước làm tôi quên đi cánh tay tật nguyền. Tôi đã vượt qua 2 kỳ thi tú tài 1 và tú tài 2 với thứ hạng bình (tương đương kỳ thi tốt nghiệp THPT bây giờ và có 3 hạng từ thấp đến cao: hạng ưu, bình và bình thứ) và đậu vào một học viện hành chánh.
Khi ngồi ôn lại dòng chảy ký ức này, tôi càng thấm thía câu nói "ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn cách mình sẽ sống". Cánh tay tật nguyền và giấc mơ trưa thời thơ ấu không làm tôi gục ngã, trái lại là động lực đã đưa tôi từ thành công này đến thành công khác trong cuộc đời. Sự thành công không có gì khó khăn đối với người bất hạnh, khi họ đã có ý chí và nghị lực.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chau-an-thuan-thay-queo-va-toi-20201024210901115.htm