Châu Âu bước vào đợt cao điểm nắng nóng kỷ lục thứ 2

Cùng với Pháp, nhiều nước Tây Âu như Bỉ, Đức, Hà Lan hôm 25/7 bước vào đợt cao điểm nắng nóng mới, với mức nền nhiệt tăng cao kỷ lục.

Đây là đợt cao điểm nắng nóng thứ 2 ở châu Âu, sau đợt cao điểm vào tháng 6 vừa qua. Giới chuyên gia thời tiết Pháp cho biết, dự kiến trong ngày hôm nay (25/7), nhiệt độ tại nhiều khu vực của nước Pháp, bao gồm cả thủ đô Paris sẽ tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới. 20 đơn vị hành chính của Pháp hiện đã được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về nắng nóng.

Nhiệt độ ở Pháp trong ngày 28.6 vượt quá 45 độ C. Ảnh: AFP.

Nhiệt độ ở Pháp trong ngày 28.6 vượt quá 45 độ C. Ảnh: AFP.

Nhiệt độ ở thủ đô Paris hôm qua (24/7) ghi nhận ở mức 40,4 độ C – mức cao kỷ lục kể từ năm 1947. Theo một số nguồn tin, nắng nóng cùng mức nền nhiệt tăng cao đã khiến 5 người thiệt mạng. Trong bối cảnh nắng nóng khiến mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, giới chức Pháp đã hạn chế việc sử dụng nước tại 73 trong số 96 khu vực hành chính, đồng thời kêu gọi người dân tránh để lãng phí nước.

Nắng nóng cũng tác động tới kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris, vốn bị phá hủy trong đợt hỏa hoạn hồi tháng 4 vừa qua. Các kiến trúc sư Pháp lo ngại, mức nền nhiệt tăng cao có thể khiến trần của nhà thờ Đức Bà Paris có thể sập bất cứ lúc nào. Kiến trúc sư trưởng phụ trách việc xây dựng nhà thờ, ông Philippe Villeneuve nói:“Tôi rất lo ngại về đợt nắng nóng này. Như các bạn biết đấy, nhà thờ Đức Bà đã bị phá hủy trong đợt cháy. Các dầm chống đỡ đã có phần lỏng lẻo, cộng thêm bị xối nước để dập cháy. Điều tôi lo sợ là các khớp nối khi bị khô đi sẽ mất đi độ kết dính”.

Nước Bỉ hôm nay (25/7) cũng đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ vì thời tiết nắng nóng ở mức kỷ lục đến hết ngày 28/7. Tại thị trấn Kleine Brogel, nhiệt độ đã chạm ngưỡng 39 độ C - mức nền nhiệt nóng nhất ở Bỉ kể từ năm 1833.

Người đứng đầu Cơ quan dự báo thời tiết Bỉ David Dehenauw nói: “Bỉ sắp sửa phá vỡ kỷ lục về nắng nóng. Tại nhiều địa phương, mức nhiệt đã tăng trên 39 đến 40 độ C. Chúng tôi quan sát diễn biến thời tiết từ năm 1833, chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến hình thái thời tiết nắng nóng như hiện nay”.

Nhiều tuyến đường sắt của Bỉ đã rơi vào tình trạng rối loạn do nắng nóng gây ra. Do tình trạng quá tải về điện, một đoàn tàu cao tốc Eurostar đi Luân Đôn, Anh đã bị mắc kẹt tại một thị trấn Halle, Bỉ trong 2 giờ. Một số toa tàu đã nằm lại trong vùng tối trong khi một số toa tàu khác phải nằm phơi mình trong nắng nóng.

Tình hình cơ bản được khắc phục vào tối cùng ngày, tuy nhiên, vụ việc đã khiến nhiều chuyến tàu đã bị chậm trễ. Nhiều vụ cháy cũng đã xảy ra tại miền Nam nước Bỉ khi nhiệt độ đôi khi lên đến 40 độ C tại một số địa điểm. Đặc biệt thời điểm nắng nóng và khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp khi hạn hán cùng mức nhiệt cao đã gây cháy tại một số cánh đồng và trang trại.

Tại thành phố Eindhoven, miền Nam Hà Lan, mức nền nhiệt cũng trong tình trạng tương tự. Nhiệt độ ở Đức cao hơn so với Hà Lan. Theo ghi nhận của Cơ quan dự báo thời tiết Đức, tại khu vực Geilenkirchen, mức nền nhiệt hôm qua đã tăng hơn 40 độ C, cao hơn 2 độ C so với 1 vài ngày trước đó. Nắng nóng tăng cao đã khiến nhà chức trách Đức phát đi cảnh báo trên toàn quốc. Ít nhất 10 điểm ở Đức đã ghi nhận nhiệt độ trên 39 độ C, bao gồm cả Cologne, Bonn và Saarbrücken.

Bồ Đào Nha cũng đang trong tình trạng cảnh báo đỏ. Nhiệt độ tăng hơn 40 độ C đã gây ra các đám cháy rừng tại khu vực Castelo Branco trong suốt mấy ngày qua. Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố mức cảnh báo đỏ tại khu vực Zaragoza, khu vực bị ảnh hưởng của cháy rừng hồi tháng 6/2019.

Mức nắng nóng của Anh có phần dịu hơn các nước láng giềng khác song nhiệt độ cũng đã tăng hơn 35 độ C. Dự báo, mức nhiệt sẽ còn tăng trong 1 vài ngày tới.

Đây là đợt cao điểm nắng nóng thứ 2 ở châu Âu, sau đợt cao điểm vào tháng 6 vừa qua. Vào thời điểm đó, nhiều nước tại châu Âu đã phải gồng mình vì nắng nóng, đặc biệt nhiệt độ tại Pháp đã phá vỡ nhiều kỷ lục từng ghi nhận trước đó.

Ngày 28/6, Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục nhất ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 45,9 độ C tại làng Gallargues-le-Montueux, thuộc khu vực Gard, ở miền Nam. Viện Khí hậu Potsdam, Đức cho biết, trong 5 mùa Hè nắng nóng nhất ở châu Âu kể từ năm 1500, tất cả đều rơi vào thế kỷ thứ 21. Giới chức khoa học quan ngại, mức độ nắng nóng hiện nay có liên quan việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch./.

Hồng Nhung/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-buoc-vao-dot-cao-diem-nang-nong-ky-luc-thu-2-936324.vov