Châu Âu cần thêm nguồn lực để giải quyết tác động của Biến đổi Khí hậu

Châu Âu tuy dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh, nhưng cũng cần đảm bảo có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết tác động của những cú sốc khí hậu chưa từng có.

Các phương tiện di chuyển trên đường phố tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các phương tiện di chuyển trên đường phố tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 13/11, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh châu Âu tuy dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh, nhưng cũng cần đảm bảo có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết tác động của những cú sốc khí hậu chưa từng có.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đến năm 2050 sẽ chuyển đổi sang hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng carbon bằng 0.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan), ông Mitsotakis cho rằng: "Chúng ta không thể tập trung quá nhiều vào năm 2050 mà quên mất năm 2024. Chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn để chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhằm bảo vệ người dân và sinh kế, cũng như giúp người dân và cộng đồng tái thiết sau thảm họa."

Với nguồn nắng và gió dồi dào, kể từ năm 2014, Hy Lạp đã tăng gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo, với nguồn năng lượng này chiếm khoảng một nửa sản lượng điện. Hy Lạp tuyên bố đang trên đà đóng cửa tất cả các nhà máy chạy bằng than vào năm 2028.

Tuy nhiên, nước này lại đang ở tuyến đầu của Biến đổi Khí hậu, phải vật lộn để cứu trợ, khắc phục thiệt hại sau các trận lũ lụt và cháy rừng tàn khốc trong những năm gần đây, mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Năm nay, Hy Lạp đã trải qua mùa Hè nóng nhất trong lịch sử sau một mùa Đông rất ít mưa.

Ông Mitsotakis cho biết châu Âu chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong lượng khí thải toàn cầu, nhưng gần như đơn độc trong việc bảo vệ các quy tắc về thương mại tự do và phải đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không gây tổn hại đến nền kinh tế.

Theo ông, thay vì chấp nhận đánh đổi cạnh tranh để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, châu Âu nên cân nhắc chậm lại để cho phép ngành công nghiệp thích nghi và phát triển.

 Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nga tăng cường công nghệ vì mục tiêu trung hòa khí carbon

Cũng phát biểu tại Hội nghị COP29 diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga đang tăng cường công nghệ và sản xuất của riêng mình để trung hòa khí thải carbon trong công nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ Nga cho biết, hiện 85% năng lượng Nga là các thế hệ năng lượng “sạch," ít phát thải, trước hết là năng lượng khí đốt và hạt nhân, năng lượng tái tạo.

Ông Mishustin nhấn mạnh Nga đang tích cực tận dụng các tiềm năng tự nhiên, nhất là khi 1/5 tài nguyên rừng toàn cầu nằm ở Liên bang Nga, nhờ đó Nga đạt khối lượng hấp thụ trên một tỷ tấn carbon dioxide (CO2) tương đương mỗi năm.

Ông cho biết Nga đã giảm hơn một nửa lượng khí thải nhà kính kể từ năm 1990 và có kế hoạch đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 nhờ tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển các phương tiện giao thông chạy điện, cũng như triển khai các giải pháp hiện đại trong nông nghiệp.

Thủ tướng Nga kêu gọi nỗ lực thống nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đề ra 4 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Trong đó có thống nhất mục tiêu chung mới về tài chính khí hậu vì lợi ích của các nước đang phát triển, không chấp nhận sự phân biệt đối xử về công nghệ với lý do nóng lên toàn cầu, tạo ra một hệ thống thống nhất để đánh giá chất lượng của các dự án khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng khoa học để đưa ra quyết định hiệu quả về quá trình trung hòa carbon và thích ứng.

Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh Nga cùng với cộng đồng quốc tế đang tích cực nỗ lực chống Biến đổi Khí hậu toàn cầu vì mục tiêu chính là đảm bảo hạnh phúc cho các thế hệ tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chau-au-can-them-nguon-luc-de-giai-quyet-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-post992979.vnp