Châu Âu 'cấp tốc' mua lượng lớn thuốc Remdesivir chữa COVID-19

Theo Reuters ngày 8/10, hiện tại châu Âu đang trong tình trạng thiếu thuốc Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số quốc gia châu Âu cho biết đang gặp tình trạng thiếu thuốc Remdesivir, kể từ khi Mỹ mua gần như toàn bộ nguồn cung thuốc của thế giới trong mùa Hè này, làm dấy lên lo ngại về cách châu lục này đối phó đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng ở châu Âu khi mùa Đông sắp tới.

Trước tình hình trên, ngày 8/10, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thuốc Gilead của Mỹ để mua thuốc kháng virus Remdesivir.

Hợp đồng mua thuốc Remdesivir chung trong 6 tháng tới đã được ký bởi tổng cộng 37 quốc gia, bao gồm 27 quốc gia thành viên EU, Vương quốc Anh, 6 nước Balkan và các thành viên thuộc khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) khác. Số thuốc này sẽ được dùng để điều trị cho khoảng 500.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Thỏa thuận này vượt quy mô của thỏa thuận được ký trước đó do EU thực hiện với Gilead, bảo đảm 33.380 liều thuốc điều trị được phân phối trên khắp EU và Anh kể từ tháng 8.

Thuốc Remdesivir có thể giúp bệnh nhân COVID-19 hồi phục nhanh hơn và là một trong 2 loại thuốc được chấp thuận để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở EU cùng với Steroid dexamethasone. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được điều trị bằng cả 2 loại thuốc trên sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào tuần trước.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trên khắp châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, thời tiết mùa Đông có khả năng khiến dịch bệnh trầm trọng hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu trong 24 giờ qua là 338.779 trường hợp, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm nay.

Theo hãng tin Reuters, kỷ lục WHO ghi nhận gần đây nhất là vào ngày 2/10, khi số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ là 330.340 người. Kỷ lục về số trường hợp tử vong trong một ngày là 12.393 người hôm 17/4.

Kỷ lục mới thiết lập là do châu Âu vừa trải qua một ngày tăng kỷ lục số ca dương tính với virus, thêm gần 97.000 ca hôm 8/10.

Pháp áp cảnh báo tối đa nhiều thành phố

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran thông báo, các thành phố Lyon, Lille, Grenoble và Saint-Etienne sẽ bắt đầu áp mức cảnh báo tối đa kể từ ngày 10/10, mở đường cho việc áp dụng các biện pháp giới hạn mới nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Thủ đô Paris và thành phố Marseille đã có động thái tương tự từ trước đó, đóng cửa tạm thời mọi quán bar trong 2 tuần. Các nhà hàng muốn mở cửa phải thiết lập quy trình vệ sinh mới.

Theo báo Guardian, các bệnh viện ở Paris hiện đã chuyển sang hoạt động ở chế độ khẩn cấp, hủy mọi kỳ nghỉ của nhân viên và những hoạt động không cần thiết khi số ca COVID-19 chiếm tới gần 1/2 tổng số bệnh nhân trong các phòng điều trị tích cực (ICU).

Ông Véran cho hay, tình hình ở Toulouse và Montpellier cũng rất đáng lo ngại. Hai thành phố này cũng có thể phải nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cao nhất kể từ đầu tuần tới.

Đức lần đầu tiên áp giờ giới nghiêm về đêm

Đức lần đầu trong 70 năm áp giờ giới nghiêm với các hoạt động về đêm tại Berlin nhằm kiềm chế tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, theo Guardian.

Theo đó, các quán bar, nhà hàng và những địa điểm hoạt động không giấy phép ở thủ đô Berlin sẽ phải đóng cửa từ 23h đến 6h sáng hôm sau, từ ngày 10/10. Các cuộc tụ tập công cộng trên 5 người từ hơn 2 gia đình trở lên và những cuộc tụ họp riêng từ hơn 10 người cũng sẽ bị cấm.

Berlin ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao kỷ lục hồi đầu tháng 10. Hôm 6/10, thành phố này báo cáo tỉ lệ 44,2 ca nhiễm trên 100.000 dân trong 1 tuần qua. Số ca nhiễm mới ở các quận nội thành, nơi tập trung những tụ điểm giải trí về đêm, cũng gia tăng.

Hộp đêm tại Berlin vẫn đóng cửa vô thời hạn, nhưng các quán bar đã được tái mở cửa hồi tháng 6 kèm những quy định phòng dịch.

Theo Chinhphu.vn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-10-09/chau-au-cap-toc-mua-luong-lon-thuoc-remdesivir-chua-covid-19-93211.aspx