Châu Âu chạy đua công nghệ lượng tử: Cơ hội đột phá hay hiểm họa an ninh mạng?
Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh kế hoạch phát triển công nghệ máy tính lượng tử, coi đây là 'chìa khóa' để duy trì lợi thế công nghệ so với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, cuộc đua này cũng tiềm ẩn rủi ro an ninh mạng ở quy mô chưa từng có.

Máy tính lượng tử "IBM Q Systems One". Ảnh minh họa: extremetech.com
Theo tờ Politico ngày 3/7, Ủy ban châu Âu vừa công bố chiến lược lượng tử mới, thừa nhận EU đang tụt lại phía sau các đối thủ lớn về thu hút đầu tư và thương mại hóa công nghệ này. Dù hiện nay, châu Âu dẫn đầu về số công bố khoa học liên quan đến lượng tử, khu vực này chỉ thu hút 5% vốn đầu tư tư nhân toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm hơn 50% và Trung Quốc khoảng 40%.
Công nghệ đột phá, rủi ro bảo mật khôn lường
Điện toán lượng tử được coi là “biên giới công nghệ” tiếp theo, với năng lực xử lý vượt xa các siêu máy tính hiện nay. Công nghệ này hứa hẹn tạo ra bước ngoặt cho các lĩnh vực từ dược phẩm, năng lượng, quốc phòng cho đến không gian. Song, rủi ro lớn nhất là khả năng phá vỡ các hệ thống mật mã đang bảo vệ hạ tầng internet, dữ liệu cá nhân và giao dịch tài chính toàn cầu.
Ông Nigel Smart, Giáo sư an ninh máy tính tại Đại học KU Leuven (Bỉ), nhận định: “Khi máy tính lượng tử đủ mạnh, các thuật toán mật mã khóa công khai mà thế giới đang sử dụng sẽ không còn an toàn. Điện thoại, internet, mọi thứ sẽ bị bẻ khóa”.
Theo các chuyên gia, mối nguy “lưu trữ trước, giải mã sau” đặc biệt đáng lo ngại. Tin tặc và các tổ chức tình báo có thể thu thập dữ liệu đã mã hóa ngay từ bây giờ để chờ đến khi lượng tử đủ mạnh để giải mã.
Mục tiêu an ninh hậu lượng tử đến năm 2030
Để ứng phó thách thức mới, EU đã công bố lộ trình chuyển đổi sang chuẩn mật mã hậu lượng tử. Theo kế hoạch này, toàn bộ các hạ tầng trọng yếu trên khắp châu Âu sẽ phải hoàn tất việc nâng cấp sang hệ thống bảo mật mới chậm nhất vào cuối năm 2030 - mốc thời gian này cũng tương đồng với lộ trình mà Mỹ, Anh và Australia đã đặt ra.
Ông Stephan Ehlen, chuyên gia tại Cơ quan An ninh mạng Đức, đánh giá: “Việc các nước EU đạt được đồng thuận về thời hạn này đã là một bước tiến rất quan trọng. Nhưng có kế hoạch chỉ mới là điểm bắt đầu”. Trong khi đó, ông Bart Preneel, nhà mật mã học tại KU Leuven, lưu ý: “Đây không chỉ là câu chuyện thay vài thuật toán. Đây sẽ là một quá trình di chuyển phức tạp, liên quan tới hàng tỷ thiết bị và hệ thống - không thể giải quyết chỉ bằng vài trang hướng dẫn”.
Tập đoàn công nghệ IBM của Mỹ - một trong những đơn vị tiên phong phát triển máy tính lượng tử - mới đây cũng tuyên bố sẽ thương mại hóa máy tính lượng tử đầu tiên ngay trong năm 2029. Thông tin này càng làm gia tăng sức ép đối với các chính phủ, cơ quan an ninh và các tổ chức tài chính lớn trong việc chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ dữ liệu quan trọng.
Lo ngại “chảy máu” công nghệ
Bên cạnh rủi ro về bảo mật, EU cũng lo ngại các công ty khởi nghiệp lượng tử tiềm năng sẽ bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài. Một số quốc gia đã áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm để giữ quyền kiểm soát.
Ông Manfred Lochter, thuộc Cơ quan An ninh mạng Đức, cảnh báo: “Nếu không làm chủ được công nghệ lượng tử, chúng ta sẽ mất khả năng kiểm soát quyền riêng tư và an toàn dữ liệu. Mọi hoạt động của chính phủ hoàn toàn có thể bị phơi bày”.
Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản “ngày tận thế” mạng vẫn cần nhiều yếu tố để xảy ra, song EU không còn nhiều thời gian để chần chừ. Ông Lochter nhấn mạnh: “Nếu không nắm chắc công nghệ này, châu Âu sẽ rơi vào thế bị động”.