Châu Âu chia rẽ trước thềm hội nghị về ngân sách dài hạn

VOV) - Đề xuất tăng ngân sách của Ủy ban châu Âu đang gây ra sự bất đồng các thành viên EU.

Các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu, dự kiến diễn ra tại hội nghị cấp cao khu vực vào cuối tháng này đang có dấu hiệu bị chia rẽ sâu sắc. Một lần nữa, những lo lắng về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 3 năm qua lại dấy lên mạnh mẽ.

Kế hoạch dự thảo ngân sách giai đoạn 2014-2020, được Ủy ban châu Âu công bố tháng 2/2011 đề xuất, ngân sách của Liên minh châu Âu sẽ được giới hạn ở mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên. Hiện có 15 nước ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu tăng ngân sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và năng lực cạnh tranh kinh tế ở các nước nghèo hơn trong khối. Tuy nhiên, cũng sẽ là không ngạc nhiên, khi các nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu lại đồng loạt đưa ra cảnh báo phủ quyết dự thảo ngân sách khi chứng kiến phần đóng góp của mình tăng lên. Song sự cứng rắn của các nước giàu lại có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng phản ứng của khối trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Theo chân Đan Mạch, Chính phủ Pháp mới đây đã dọa phủ quyết ngân sách giai đoạn 2014-2020 của Liên minh châu Âu, theo đó sẽ không ủng hộ bất kỳ sự cắt giảm tiếp theo nào trong ngân sách dành cho khu vực nông nghiệp. Tuần trước, Chính phủ Đan Mạch cũng tuyên bố sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu nếu nước này không được giảm phần đóng góp cho ngân sách của tổ chức này.

Tại Anh, dù vấp phải sự phản đối ngay trong chính đảng bảo thủ của mình, song chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron vẫn tuyên bố sẽ giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán về ngân sách, trong điều kiện tốt nhất sẽ ủng hộ việc cắt giảm, trong điều kiện xấu nhất sẽ ủng hộ việc ngừng tăng ngân sách và sẵn sàng dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị sắp tới không đạt được một thỏa thuận có lợi cho nước Anh.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne khẳng định: “Tất cả đều muốn thấy ngân sách châu Âu được cắt giảm. Các cuộc đàm phán mới chỉ bắt đầu, vẫn còn 26 nước thành viên nữa. Song chúng tôi muốn nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận những thỏa thuận không có lợi cho nước Anh”.

Trong khi đó, cuộc chiến “bất đồng ngân sách” giữa Anh và Đức cũng có dấu hiệu tăng nhiệt khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cảnh báo nước này sẽ tìm cách hủy cuộc họp cấp cao Liên minh châu Âu bàn về ngân sách châu Âu cho 7 năm tới, cũng như vai trò của Anh trong khối, dự kiến được tổ chức vào ngày 22 và 23/11 tới, nếu Anh vẫn quyết tâm phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho Liên minh châu Âu.

Trong một phát biểu ngày 1/11, Thủ tướng Đức Merkel cũng khẳng định sẽ làm tất cả nhằm đạt được một giải pháp cho ngân sách châu Âu. Bà nhấn mạnh: “Là điều bình thường khi các nước xác định lập trường của mình trước khi diễn ra các cuộc đàm phán. Song tôi sẽ có các cuộc tiếp xúc trực tiếp và trao đổi cơi mở với Thủ tướng Anh David Cameron vào tuần tới. Đức sẽ làm tất cả để có thể tìm ra một giải pháp cho vấn đề ngân sách”.

Thực tế, bất đồng về ngân sách cho các hoạt động của Liên minh châu Âu là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh kinh tế chung của các nước không mấy khả quan. Song những bất đồng trong nội bộ này đang tạo ra thách thức mới cho Liên minh châu Âu trong bối cảnh “con bệnh” nợ công vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo các nhà phân tích, các nước cần tìm kiếm sự đồng thuận từ những khác biệt, nếu không căn bệnh nợ công sẽ không chỉ dừng lại ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italy./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chau-au-chia-re-truoc-them-hoi-nghi-ve-ngan-sach-dai-han/232594.vov