Châu Âu chưa 'chốt đơn' trừng phạt khí đốt Nga, Gazprom 'cháy túi' vì mất khách hàng lớn nhất
Simon Kardash, nghiên cứu viên chính sách cao cấp của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định, trong khi các quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) loay hoay tìm cách từ bỏ khí đốt Nga, Moscow cũng đang gặp khó khi thị trường thay đổi.
Lý do Áo yêu thích khí đốt Nga
17 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, các quốc gia trên khắp châu Âu đã hành động với tốc độ đáng ngạc nhiên để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt giá rẻ của Moscow.
Đức - quốc gia nhận 55% nguồn cung khí đốt từ Nga trước chiến dịch quân sự - đã không còn nhập khẩu từ Moscow. Ba Lan, Bulgaria và Czech cũng đã tạm dừng hoặc sắp dừng các dòng chảy khí đốt từ đất nước của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, Italy liên tục cắt giảm nhập khẩu và cam kết sẽ không sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga vào cuối năm nay.
Ngược lại, Áo - quốc gia nhận được gần 80% lượng khí đốt từ Nga trước chiến dịch quân sư - vẫn nhận được hơn một nửa tổng lượng khí đốt từ Moscow vào tháng 5/2023. Và trước đó, trong tháng 3/2023, khi nhu cầu cao hơn, Áo nhập 74% khí đốt của Nga.
Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Áo OMV Group cho biết: "Miễn là Nga bán khí đốt, Áo sẽ mua".
Áo - quốc gia Tây Âu đầu tiên ký hợp đồng khí đốt với Liên Xô vào năm 1968 - trong nhiều thập niên đã phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga.
Lý do chính mà EU không khởi xướng bất kỳ biện pháp trừng phạt chính thức nào đối với việc nhập khẩu khí đốt Nga - giống như những biện pháp áp dụng đối với dầu và than - là bởi Áo và những người mua lớn khác rất cần mặt hàng này. Hiện tại, một số quốc gia châu Âu vẫn là khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Năm ngoái, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cảnh báo, việc cắt giảm ngay lập tức dòng chảy khí đốt Nga sẽ dẫn đến sự hủy hoại kinh tế và thất nghiệp hàng loạt.
Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cho rằng, chính phủ vẫn cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, bà khẳng định: "Không dễ dàng xóa bỏ những chính sách đã thực hiện trong nhiều năm chỉ trong vài tháng hoặc trong một năm. Là một quốc gia không giáp biển, Áo - khác với Đức, Italy hay Hy Lạp - chưa thể xây dựng các bến cảng cho tàu chở LNG".
Khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, OMV - công ty năng lượng của Áo - đã chi 7 tỷ Euro, khoảng 7,7 tỷ USD, để mua khí đốt của Nga.
Ông Alfred Stern, Giám đốc điều hành của OMV cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Financial Times rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mua khối lượng khí đốt tương đương từ Gazprom - "gã khổng lồ" năng lượng Nga - miễn là chúng có sẵn".
Mới đây, OMV cũng đã công bố thỏa thuận 10 năm để mua khí đốt từ Tập đoàn năng lượng BP (Anh) bắt đầu từ năm 2026, để “thúc đẩy quá trình đa dạng hóa nguồn cung".
Chính phủ Áo sở hữu khoảng 30% cổ phần của OMV. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sở hữu 25%.
Doanh thu Gazprom thiệt hại nặng
Simon Kardash, nghiên cứu viên chính sách cao cấp của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định, không chỉ khối 28 thành viên phải loay hoay, Nga cũng đang gặp khó khi thị trường khí đốt bị thay đổi.
Theo ông Simon Kardash, đất nước của Tổng thống Putin đã mất vị trí là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU. Xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống tới các khối 27 thành viên đã giảm từ gần 146 tỷ m³ (bcm) vào năm 2021 xuống còn từ 61-62 bcm vào năm 2022.
Khí đốt của Nga tiếp tục chảy đến châu Âu qua các đường ống chạy qua Ukraine (dựa trên các thỏa thuận quá cảnh cho đến khi cuối năm 2024) và qua Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống TurkStream, nhưng với số lượng nhỏ.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu khí đốt của Nga thông qua các đường ống đang vận hành chỉ đạt 10 bcm so với 62 bcm và 42 bcm tương ứng trong cùng kỳ năm 2021 và 2022. Nguồn cung sang châu Âu giảm mạnh buộc Gazprom phải cắt giảm 20% sản lượng khí đốt, gây thiệt hại nặng nề cho doanh thu của "gã khổng lồ" năng lượng Nga.
"Ông lớn" khí đốt Nga lỗ ròng 1,3 nghìn tỷ Ruble (17,3 ty USD) trong nửa cuối năm 2022. Trong khi đó, tiền mặt và những khoản tài chính khác mà Gazprom có tính tới cuối tháng 12/2023 giảm xuống 1,1 nghìn tỷ Ruble (12 tỷ USD), từ mức 2 nghìn tỷ Ruble ghi nhận ngày 1/1/2022.
Ông Mikhail Krutikhin - đối tác của công ty tư vấn RusEnergy có trụ sở tại Moscow - cho biết, khoản lỗ ròng của Gazprom trong năm nay còn tăng thêm nữa khi công ty cần huy động hàng tỷ USD để tài trợ cho đường ống xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.
Ông Simon Kardash cho biết thêm, mất thị trường châu Âu khiến Nga phải tìm kiếm thị trường mới, nhưng việc tìm kiếm một giải pháp thay thế nhanh chóng và hấp dẫn về mặt tài chính dường như không thực tế vào thời điểm hiện tại.
Hiện Gazprom chưa thể ngay lập tức chuyển hướng khí khai thác từ các mỏ phía Tây Siberia và các mỏ trên bán đảo Yamal tới các quốc gia bên ngoài châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Gazprom không có đường ống dẫn khí đốt nào cho phép "gã khổng lồ" xuất khẩu những khối lượng này sang các thị trường châu Á như Trung Quốc.
Đường ống duy nhất mà Gazprom có thể xuất khẩu khí đốt sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia). Tuy nhiên, Sức mạnh của Siberia lại không được kết nối với mạng lưới khí đốt ở miền Tây nước Nga.
Nghiên cứu viên Simon Kardash khẳng định: "Gazprom có kế hoạch xây dựng một đường ống xuất khẩu khí đốt mới từ Nga qua Mông Cổ tới Trung Quốc - Power of Siberia 2 - cho phép xuất khẩu 30 bcm khí đốt mỗi năm từ các mỏ phía Tây Siberia. Dù vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa có thỏa thuận ràng buộc nào và cũng chưa có hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường này".