Châu Âu có thể tránh được rủi ro thiếu khí đốt trong năm 2023

Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối mặt với khả năng thiếu hụt gần 30 tỉ mét khối khí đốt trong năm 2023. Nhưng khoảng trống này có thể được thu hẹp và tránh được thông qua những nỗ lực mạnh mẽ hơn để cải thiện hiệu quả năng lượng, triển khai năng lượng tái tạo, lắp đặt máy bơm nhiệt, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và tăng nguồn cung khí đốt, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo công bố hôm 12-12.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ hôm 12-12. Ảnh: Getty

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ hôm 12-12. Ảnh: Getty

Với tựa đề “Làm thế nào để tránh tình trạng thiếu khí đốt ở EU trong năm 2023”, báo cáo đưa một loạt các hành động mà châu Âu có thể thực hiện dựa trên tiến bộ đã đạt được trong năm nay để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và lấp đầy các kho trữ khí đốt trước mùa đông này.

Báo cáo cảnh báo năm 2023 có thể là một thử thách thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với châu Âu vì nguồn cung khí đốt từ Nga có khả năng giảm hơn nữa đồng thời nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu sẽ bị thắt chặt, đặc biệt nếu nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng trở lại và nhiệt độ ôn hòa bất thường vào đầu mùa đông này ở châu Âu không kéo dài.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đã công bố báo cáo nói trên cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ).

“Chúng tôi đã xoay xở để chống lại động thái ‘tống tiền’ năng lượng của Nga. Với kế hoạch của chúng tôi nhằm giảm 2/3 nhu cầu khí đốt của Nga trước cuối năm nay và với việc huy động khoản đầu tư lên tới 300 tỉ euro, chúng tôi sẽ an toàn trong mùa đông này. Vì vậy, chúng tôi hiện đang tập trung vào việc chuẩn bị cho năm 2023 và mùa đông tới. Để làm được điều này, châu Âu cần đẩy mạnh nỗ lực trong một số lĩnh vực, từ tiếp cận thị trường quốc tế đến mua chung khí đốt, mở rộng quy mô và tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo, đồng thời giảm nhu cầu năng lượng”, bà Leyen nói.

Theo đánh giá của Fatih Birol, EU đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông nói: “Nhiều tình huống thuận lợi cho phép các nước EU lấp đầy các kho trữ khí đốt của họ trước mùa đông năm nay nhưng chúng có thể sẽ không xuất hiện lại vào năm 2023”.

Phân tích mới của IEA cho thấy rằng việc thúc đẩy hơn nữa hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, máy bơm nhiệt và các hành động tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng để ngăn chặn rủi ro thiếu hụt khí đốt và các đợt tăng giá vào năm tới. Máy bơm nhiệt (heat pump) thường sử dụng cho hệ thống sưởi trong phạm vi gia đình. Nó sẽ thu nhiệt lượng từ môi trường tự nhiên và nén lại để tăng nhiệt độ lên, rồi cung cấp cho các thiết bị sưởi.

Nhờ các biện pháp được các chính phủ và doanh nghiệp châu Âu áp dụng trong suốt năm 2022 để ứng phó khủng hoảng năng lượng, cũng như sự suy giảm nhu cầu do giá tăng đột biến, lượng khí đốt tại các địa điểm lưu trữ của EU cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm vào tháng 12. Điều đó cung cấp một vùng đệm quan trọng khi châu Âu bước vào mùa đông. Hành động tiết kiệm của người tiêu dùng, việc tăng nguồn cung cấp khí đốt không phải của Nga và thời tiết ôn hòa vào thời kỳ đầu của mùa đông này cũng giúp bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt của Nga trong năm nay.

Các biện pháp đã được các chính phủ EU thực hiện liên quan đến hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và máy bơm nhiệt sẽ giúp giảm quy mô khoảng cách cung cầu khí đốt tiềm năng vào năm 2023. Sản lượng điện hạt nhân và thủy điện ở châu Âu đã phục hồi từ mức thấp nhất trong thập niên trong năm nay cũng sẽ giảm phần nào áp lực nguồn cung khí đốt trong năm tới.

Dù vậy, theo IEA, khoảng cách cung cầu khí đốt tiềm năng của EU có thể lên tới 27 tỉ mét khối vào năm 2023 nếu nguồn cung khí đốt từ Nga giảm xuống zero và nhập khẩu LNG của Trung Quốc phục hồi trở về mức của năm 2021.

Phân tích của IEA cho thấy khoảng cách này có thể được thu hẹp thông qua các hành động bổ sung của các chính phủ EU về hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, máy bơm nhiệt, tiết kiệm năng lượng và nguồn cung khí đốt.

Để khuyến khích cải thiện hiệu quả năng lượng nhanh hơn, IEA khuyến nghị EU mở rộng các chương trình hiện có và tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho nỗ lực cải tạo nhà cửa, sử dụng các thiết bị và đèn điện tiết kiệm năng lượng hơn. Cơ quan này cũng khuyến nghị sử dụng nhiều công nghệ thông minh hơn và khuyến khích chuyển đổi từ khí sang điện trong các ngành công nghiệp sản xuất.

Để tăng tốc độ cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực, IEA đề xuất bổ sung các nguồn lực hành chính và đơn giản hóa các thủ tục. IEA cũng đề xuất hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho máy bơm nhiệt, đồng thời kêu gọi thực hiện nhiều chiến dịch hiệu quả hơn để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tiêu thụ năng lượng.

IEA cho rằng các biện pháp nêu trên sẽ mở ra một lộ trình giúp các nước EU tránh tăng giá năng lượng, đóng cửa nhà máy cũng như tránh được việc tăng sử dụng than để sản xuất điện và cạnh tranh quốc tế khốc liệt đối với các lô hàng LNG.

Theo iae.org

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-co-the-tranh-duoc-rui-ro-thieu-khi-dot-trong-nam-2023/