Châu Âu, Covid và vaccine

Thống kê của trang Worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 24/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận gần 60 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có gần 1,5 triệu ca tử vong. Đáng quan ngại nhất là sự bùng phát Covid-19 tại châu Âu, khi mà tổng số ca lây nhiễm ở khu vực này (27 nước trong Liên minh châu Âu- EU) đã vượt quá số ca lây nhiễm ở Mỹ.

“Mùa” Covid giữa trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp.

“Mùa” Covid giữa trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp.

Tới thời điểm này, Mỹ vẫn là quốc gia có số người mắc SAR-CoV-2 nhiều nhất, tiếp theo là Ấn Độ và thứ ba là Brazil. Tuy nhiên, nếu xét trên tỉ lệ dân số, Bỉ là quốc gia (châu Âu) bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất: Cứ 100.000 người dân thì có 134 người không qua khỏi do Covid-19. Tiếp đến là Peru (với tỉ lệ 108 người), Tây Ban Nha: 91 người và Argentina: 82 người.

1.Như vậy, xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 16,5 triệu người mắc Ccovid-19 (tính đến ngày 24/11), trong đó có hơn 369.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 433.800 ca tử vong trong hơn 12,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 187.600 ca tử vong trong hơn 11,8 triệu ca nhiễm.

Tại Đức, quốc gia hùng mạnh nhất trong EU, ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho biết nước này có thể khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất là vào tháng 12 năm nay. Điều này cho thấy châu Âu còn phải vật lộn với Covid-19 khi mùa Đông đã đến khiến số ca lây nhiễm mới gia tăng chóng mặt.

Cũng cần phải nói rằng, sau Hội nghị thượng đỉnh G20 (trong 2 ngày 20 và 21/11), các quốc gia tham dự đều cho rằng phải đoàn kết lại, chia sẻ trách nhiệm - chỉ có như vậy mới có thể hy vọng đẩy lùi được Covid-19.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau 2 ngày nhóm họp, G20 khẳng định: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắcxin ngừa Covid-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người”.

Tới nay, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đồng thời đã “bơm” 11.000 tỉ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước sự tấn công của dịch bệnh. Tại Hội nghị G20, nhóm các quốc gia giàu có này đã cam kết thêm 4,5 tỉ USD cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ông Michael Glove, Chánh văn phòng Nội các Anh cho biết, đã thảo luận cùng giới chức Scotland, Wales và Bắc Ireland về vấn đề nới lỏng các biện pháp hạn chế, các bên cũng đã nhất trí cần có một phương thức an toàn và giới hạn để gia đình và bạn bè có thể gặp nhau trong dịp Giáng sinh. Tuyên bố này được coi là ủng hộ nước Đức khi Berlin cho biết vẫn tổ chức đêm lễ âm nhạc và ánh sáng đón mừng năm mới 2021, tổ chức ở cổng thành Brandenburg và thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Giới quan sát cho rằng, những động thái đó chỉ nhằm chứng tỏ một điều là châu Âu đang tìm mọi cách để không bị “đóng băng” trước đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19. “Tuy nhiên, nếu cố cưỡng, thì rất có thể châu Âu sẽ rơi vào khủng hoảng”- nhận xét trên tờ Paris Mach.

Vaccine ngừa Covid-19 đã bắt đầu được áp dụng tại Mỹ.

Vaccine ngừa Covid-19 đã bắt đầu được áp dụng tại Mỹ.

2.Mùa đông năm nay được coi là “siêu ác mộng” đối với châu Âu, khi mà Covid-19 bùng phát kể từ giữa tháng 10 (đợt 1 bắt bắt đầu từ cuối tháng 2/2020). Nhiều quốc gia châu Âu đã lại phải ban hành lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần các thành phố. “Chúng ta phải hành động. Chúng ta cần ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Chúng ta sẽ phải đối mặt với virus này cho đến ít nhất là mùa hè năm 2021”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.

Trong vòng 20 ngày của tháng 10, trung bình tổng số ca nhiễm Covid-19 của toàn châu Âu đã vượt quá 100.000 người/ngày, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc mới hằng ngày của toàn thế giới và cao hơn mức trung bình hằng ngày của Mỹ là khoảng 50.000 ca - theo Hãng tin Reuters.

“Một khi chúng ta bước vào mùa lạnh cùng cúm mùa, khi mà một số triệu chứng rất chung chung và giống với Covid-19 như sốt và ho trở nên phổ biến hơn, vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp ở những khu vực nơi các xét nghiệm vẫn đang được thực hiện dựa trên việc một người có triệu chứng hay rủi ro phơi nhiễm”, bà Julie Fischer thuộc Tổ chức phi lợi nhuận CRDF Global đưa ra nhận định.

Còn Ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm châu Âu, bà Stella Kyriakides, cho rằng “Tôi rất lo ngại trước những gì chúng ta đang chứng kiến và những gì có thể xảy ra trong những tuần và những tháng tiếp theo. Chúng ta phải hành động quyết liệt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta để ngăn những gì của mùa xuân lặp lại lần nữa”.

3.“Sẽ có khả năng 2 triệu người chết ngay cả khi có vaccine ngừa Covid-19” - Giáo sư Ugur Sahin, đồng sáng lập hãng BioNTech nói và cho rằng mùa Đông này vẫn là thời kỳ cực kỳ khó khăn. BioNtech và đối tác, hãng dược phẩm Pfizer, là nơi tuyên bố vaccine của họ có thể giúp ngăn ngừa Covid-19 với tỷ lệ thành công là trên 90%.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ngày 21/11, Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết phân tích cuối cùng trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng vaccine ngừa Covid-19 của hãng đạt hiệu quả 95%. Kết quả này mở đường để Pfizer xin cấp phép tại Mỹ ngay trong tuần này để việc tiêm chủng có thể bắt đầu.

Theo Hãng tin Bloomberg, Pfizer và đối tác Đức BioNTech nói rằng vaccine của họ có thể bảo vệ được người tiêm thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc khỏi Covid-19, thông qua việc thử nghiệm trên khoảng 44.000 người. Nhà phân tích Vamil Divan của Mizuho nhận định rằng, đây sẽ là “điềm lành” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trong khi đó, ông Stephane Bancel - Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), cho biết giá mỗi liều vaccine của họ (hiệu quả 94,5%) sẽ dao động từ 25 USD đến 37 USD (nếu nhân lên 2 lần do tiêm 2 mũi) thì giá tiền cũng gấp đôi.

Trong khi đó, các nhà phát triển vaccine Sputnik-V của Nga, cho biết vaccine của họ có giá thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, người ta vẫn e ngại khi hiện nước Nga đã là nước thứ 5 có số người nhiễm SARS-CoV-2 hàng đầu thế giới.

Giá của 1 liều vaccine ngừa Covid-19 là bao nhiêu và liệu người nghèo có tiếp cận được với vaccine hay không? Ở “phía lạc quan”, nhiều chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, quan trọng nhất là có được vaccine và thuốc đặc trị chống Covid-19, “chúng ta có thể đặt hy vọng vào cuộc chiến này cho dù châu Âu hiện đang là điểm nóng của đại dịch Covid-19”.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-au-covid-va-vaccine-524803.html