Châu Âu 'đặt cược' rủi ro với Trung Quốc hay đi theo tiếng gọi của Mỹ?

Giữa những lợi ích không thể bỏ qua từ mối quan hệ với Trung Quốc và quan điểm về rủi ro do Mỹ dẫn dắt, châu Âu đã chọn đi theo hướng nào?

Châu Âu thà chọn ràng buộc với Trung Quốc hay đi theo ‘tiếng gọi’ của Mỹ? (Nguồn: aspeniaonline)

Châu Âu thà chọn ràng buộc với Trung Quốc hay đi theo ‘tiếng gọi’ của Mỹ? (Nguồn: aspeniaonline)

Sau những bình luận mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi thăm Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn thống nhất quan điểm về rủi ro liên quan tới quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Nhưng gần đây, ông Macron cũng phát biểu rằng, châu Âu không nên "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.

Khó "tách rời" Trung Quốc

Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn khi theo đuổi các lợi ích kinh tế và địa chính trị ở nước ngoài, điều này đẩy căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng nhanh hơn.

Không ít đồng minh truyền thống của Mỹ cân nhắc đi theo “tiếng gọi” của Washington trong việc "tách rời" kinh tế với Trung Quốc. Chiến lược của họ nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua kiểm soát xuất khẩu rộng rãi và sắp xếp lại chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ở Tây Âu, Pháp và Đức đang tỏ ra không sẵn lòng tham gia cùng các đồng minh trong việc tách khỏi Trung Quốc. Những phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng châu Âu không nên "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" đã chứng minh điều này. Mối quan hệ của Pháp và Đức với Trung Quốc trên thực tế vẫn đang phát triển tốt.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn ngoài Liên minh châu Âu (EU) của hai quốc gia này và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại hàng hóa như hàng xa xỉ và dược phẩm của Pháp và Đức.

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 7,4% tổng xuất khẩu của Đức, 4,21% của Pháp năm 2019 và những con số này đã tăng lên mức kỷ lục trong 3 năm qua. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, quốc gia này sẽ là một thị trường tiêu dùng tiềm năng to lớn trong những năm tới.

Theo các báo cáo gần đây, thương mại hàng hóa song phương của Pháp với Trung Quốc lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD năm 2022, tăng 14,6% năm 2021.

Việc 46 công ty của Pháp và Trung Quốc gần đây ký kết 18 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực càng nhấn mạnh tốc độ phát triển của mối quan hệ thương mại này.

Đối với Đức, tổng thương mại của nước này với Trung Quốc đã tăng 21% kể từ năm 2021. Mặc dù xuất khẩu chỉ tăng 3,1%, song nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc chiếm phần lớn mức tăng trưởng, tăng hơn 1/3.

Cụ thể, Đức nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 2/3 nguyên tố đất hiếm, trong đó có nhiều nguyên tố không thể thiếu trong pin, chất bán dẫn và nam châm trong ô tô điện.

Điều này cho thấy Đức và Pháp sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc xét về nguồn cung các nguyên liệu thô quan trọng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi năng lượng của hai quốc gia này.

Hơn nữa, nhiều công ty của Pháp và Đức muốn phát triển các cơ sở sản xuất lâu đời và mạng lưới bán hàng rộng khắp của họ ở Trung Quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại đang mở rộng nhanh chóng và ước tính cho thấy hơn 2 triệu việc làm của Đức phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, nền kinh tế của Pháp, Đức và Trung Quốc sẽ trở nên gắn kết với nhau hơn nữa.

Chẳng hạn, các công ty sản xuất ô tô Volkswagen và công ty xử lý hóa chất BASF của Đức đang mở rộng đáng kể các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc.

Volkswagen, hiện có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc, gần đây thông báo sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các mối quan hệ đối tác cũng như các địa điểm sản xuất mới ở Trung Quốc.

BASF, có 30 công ty, cho biết sẽ đầu tư 10,9 tỷ USD vào một tổ hợp sản xuất hóa chất mới ở đó.

Với tất cả các hoạt động mới nói trên, thúc đẩy sự tách rời khỏi Trung Quốc có thể gây ra hậu quả đáng kể cho cả nền kinh tế Pháp và Đức.

Cuối cùng, cái giá của việc tách rời sẽ lớn hơn lợi ích của cả hai nước này. Mặc dù các đồng minh của Paris và Berlin có thể phàn nàn về việc họ không hành động, nhưng Pháp và Đức chắc chắn sẽ không bỏ qua các cơ hội quan trọng như vậy cho các công ty của cả hai nước này ở Trung Quốc.

Ngoài ra, việc tách rời rất có thể khiến người khổng lồ châu Á phải “phiền lòng”, như đã xảy ra với Australia. Trung Quốc rất có thể sẽ tạm dừng xuất khẩu sang Pháp và Đức, tăng thuế hoặc giảm khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của hai quốc gia này.

Nhìn chung, xét về lợi ích, cả Pháp và Đức đều khó có thể thay đổi lập trường. Họ vẫn muốn giúp thị trường của mình phát triển, còn những vấn đề khác có thể cần phải tạm đặt sang một bên.

Họ đã "đặt cược" rất lớn

Tuy nhiên, xét trên thực tế, rào cản thực sự ngăn chặn phân tách khỏi thị trường Trung Quốc không chỉ nằm ở các chính phủ phương Tây, mà là chính các công ty phương Tây đã "đặt cược" rất lớn vào Trung Quốc.

Trong khoảng một năm qua, Liên minh châu Âu (EU) cho biết mong muốn “giảm rủi ro” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chứ không phải là “phân tách”.

Tuần trước, giới lãnh đạo phương Tây đã thảo luận tại Washington, bày tỏ quan ngại rằng, mối bận tâm chung về thị trường Trung Quốc có thể đẩy Mỹ và châu Âu đi vào chủ nghĩa bảo hộ theo hướng đi ngược với nhau.

Trong những năm gần đây, châu Âu cho ra đời một loạt chính sách "phòng thủ" kinh tế như EU rút khỏi thỏa thuận đầu tư đã ký kết trước đó với Bắc Kinh năm 2020; thông qua đạo luật về “trợ cấp nước ngoài” nhằm điều tra và trừng phạt liên quan tới vấn đề trợ cấp chính phủ đối với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài... EU cũng đang thảo luận về một đạo luật về khai thác và chế biến nội địa đối với khoáng chất thiết yếu, như các nhân tố đất hiếm được sử dụng trong thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo, mà 98% là do Trung Quốc cung ứng.

Tuy nhiên, cả Mỹ và châu Âu sẽ nhận thấy "sự phân tách" khỏi thị trường Trung Quốc phụ thuộc không chỉ vào chính sách, mà còn phụ thuộc vào các công ty, vốn theo đuổi mục tiêu về doanh số bán hàng chứ không phải ý thức hệ.

Các tập đoàn đa quốc gia muốn giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng rất ít các công ty rời khỏi Trung Quốc một cách tuyệt đối, nếu không muốn nói đến một số tiếp tục đặt cược lớn vào thị trường này.

Theo nhận định của Michael Dunne, nhà sáng lập công ty tư vấn trong ngành ô tô ZoZoGo LLC, ngay cả khi Mỹ đang tìm cách xây dựng hạ tầng cơ sở chế tạo năng lượng tái tạo ở trong nước, khoảng 40-50% sản lượng xe điện của Tesla trong năm nay được sản xuất tại Trung Quốc.

Bằng việc đưa chuỗi cung ứng về Trung Quốc, Tesla đã kích thích sự phát triển của các đối thủ Trung Quốc đại lục, những hãng gần đây đang lấn chiếm thị phần của chính Tesla. Tuy vậy, hãng xe điện của Mỹ vẫn tiếp tục "đặt cược" lớn hơn nữa vào Trung Quốc, khi trong tháng 4/2023 đưa ra tuyên bố xây dựng nhà máy chuyên chế tạo pin Megapack hiệu suất cao.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron, tập đoàn Airbus thông báo sẽ khai trương dây chuyền sản xuất thứ hai tại Trung Quốc đại lục. Những khoản đầu tư như vậy là cần thiết để duy trì doanh số, nhưng Airbus bị bó buộc bởi quy định chỉ lắp ráp máy bay thân hẹp, vốn là lĩnh vực mà Trung Quốc thiếu tiềm năng, công nghệ bản địa, chứ không phải là máy bay chở khách thân rộng.

Tuy nhiên, Airbus vẫn đã chấp nhận, thậm chí một quan chức châu Âu nhận định: “Aribus biết một ngày nào đó họ chia sẻ công nghệ, họ sẽ có một người anh em sinh đôi với công nghệ y chang và chỗ đứng của Airbus tại thị trường này sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng”.

(theo The Strategist, Wall Street Journal)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-dat-cuoc-rui-ro-voi-trung-quoc-hay-di-theo-tieng-goi-cua-my-226054.html