Châu Âu: Doanh nghiệp, ngân hàng đang ở bờ vực
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố báo cáo đánh giá mức độ ổn định tài chính của khu vực đồng Euro. Báo cáo tháng 11 năm nay cho thấy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nhiều doanh nghiệp và ngân hàng rất đáng quan ngại trong trung hạn.
Mặc dù các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đã kiềm chế được các rủi ro trong ngắn hạn, nhưng xem ra khả năng mấp mé bờ vực của doanh nghiệp, ngân hàng nói riêng và nợ công nói chung đã xuất hiện trong vùng ra-đa cảnh báo.
Ngòi nổ khủng hoảng nợ châu Âu
Nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng, các khoản nợ dồn tích liên tục từ khi Covid-19 bùng phát ở châu Âu, nay đang hình thành một quả bom nợ nổ chậm có sức tàn phá không hề nhỏ. Ước tính trong tình huống xấu, các ngân hàng châu Âu có thể gánh chịu nợ xấu lên đến 1.400 tỷ EUR.
Hoạt động kinh tế của các nước sử dụng đồng Eur đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong quý II vừa qua, GDP thực của nhiều nước tăng trưởng âm từ 10-20%, trong đó bị nặng nhất là Tây Ban Nha, Pháp, Italia. Mặc dù đã có những tín hiệu tín cực từ vắc-xin, nhưng làn sóng dịch thứ 2 cùng với kết quả đàm phán có thể xấu của Brexit sẽ khiến kinh tế khu vực này phải đến năm 2023 mới có thể trở lại như thời điểm trước Covid-19.
Tuy vậy, thiệt hại và khả năng chống chọi phục hồi của các ngành là khác nhau. Nhìn về tương lai, các ngành sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi sớm và nhanh hơn các ngành như nhà hàng khách sạn, giải trí, du lịch, hàng không, bất động sản thương mại.
Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay đối với khu vực đồng Eur là nợ: cả nợ công, lẫn nợ tư của doanh nghiệp và hộ gia đình. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, các chính phủ đã phát hành hơn 1.000 tỷ EUR công cụ nợ để hỗ trợ cho nền kinh tế, và còn tiếp tục như một số nước vừa công bố chính sách tài khóa 2021.
Các doanh nghiệp và ngân hàng cũng mạnh tay vay nợ để duy trì hoạt động hay đảm bảo thanh khoản. Trong bối cảnh lãi suất cực thấp và kéo dài, một vòng tròn nợ liên đới giữa chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình được hình thành và ngày càng phình to.
Tình hình có thể nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây 10 năm. Rủi ro hệ thống lần này có độ bao phủ rộng hơn và hiệu ứng phụ khi nền kinh tế không thể hấp thụ tối ưu các chính sách hỗ trợ, được ví như các khẩu bazooka đến từ cả tài khóa và tiền tệ.
Các nước đã có “bệnh nền” từ trước như Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, thậm chí Pháp với chính sách tài khóa hào phóng rất có thể là những ngòi nổ của khủng hoảng nợ châu Âu.
Vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầmMột minh chứng rõ ràng của việc hấp thụ các khoản hỗ trợ của chính phủ, ngân hàng trung ương không hiệu quả, là sự tăng giá của nhiều loại tài sản trong bối cảnh các yếu tố cơ bản của kinh tế như việc làm, tiêu dùng vẫn đang còn yếu.
Cụ thể, chỉ số của nhiều thị trường chứng khoán đã quay trở lại, hoặc vượt hơn mốc trước khi dịch xảy ra. Trong khi giá của bất động sản thương mại giảm mạnh và chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm, thì bất động sản nhà ở lại tăng.
Ở nhiều thành phố lớn châu Âu, thị trường nhà ở (không phải chung cư) ở các ngoại ô và địa phương lân cận thủ đô trở nên sôi động vì nhu cầu làm việc ở nhà tăng. Nhiều ngân hàng trung ương đã tăng mạnh bảng cân đối của mình, từ việc tăng mua các tài sản tài chính trên thị trường. Nguyên nhân là từ tiền rẻ và nhiều.
Các khoản vay lãi suất cực thấp, hoặc vay được chính phủ bảo lãnh được không ít doanh nghiệp tận dụng. Có một số doanh nghiệp nhỏ ở Pháp, nằm trong diện được hỗ trợ và vay ưu đãi, đã không ngại ngần vay và dùng nguồn vốn này để đầu tư vào mục đích khác, thậm chí đánh cược rằng các khoản vay này sẽ được chính phủ tiếp tục gia hạn hay xóa trong tương lai.
Và hạt nhân của các khủng hoảng nợ hay khủng hoảng tài chính luôn là hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng khu vực đồng Euro trong khủng hoảng Covid-19 cho thấy vẫn đảm bảo khả năng về vốn, nhưng tiềm ẩn nợ xấu và biên lợi nhuận mong manh. Có lẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ECB và các ngân hàng EU đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Các khoản nợ dồn tích liên tục từ khi Covid-19 bùng phát ở châu Âu, nay đang hình thành một quả bom nợ nổ chậm có sức tàn phá không hề nhỏ. Ước tính trong tình huống xấu, các ngân hàng châu Âu có thể gánh chịu nợ xấu lên đến 1.400 tỷ EUR.
Việc quản lý rủi ro và các yêu cầu về vốn theo chuẩn Basel III đã được thực hiện rất tích cực. Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành ngân hàng giảm mạnh, từ 5% vào quý IV-2019 xuống còn khoảng 2% quý II-2020, do việc tăng mạnh các khoản dự phòng nợ xấu.
Trong trường hợp các chính phủ và ECB tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế qua việc bơm tiền, duy trì lãi suất thấp thì biên lợi nhuận của ngành ngân hàng khó có thể cải thiện trong bối cảnh tiếp tục dự phòng cho khả năng kinh tế phục hồi không như kỳ vọng. Nhưng trong trường hợp chính phủ cắt các khoản hỗ trợ hay vay bảo lãnh trước thời hạn, thì các ngân hàng cũng sẽ trở thành nạn nhân.
Các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của EU và các nước khu vực đồng Euro hiện nay rất dễ rơi vào bẫy do mình tạo ra. Nếu đột ngột cắt giảm các hỗ trợ thì sẽ tạo ra hiệu ứng bờ vực (cliff edge effect), phá sản bắt đầu từ doanh nghiệp và sẽ lây lan sang ngành ngân hàng.
Còn nếu tiếp tục kéo dài hỗ trợ, với hiệu ứng tiền rẻ, sẽ dung dưỡng một hệ thống doanh nghiệp xác sống (zombie). Nhiều khả năng phương án 2 sẽ được chọn, khi đó quả bom nợ tiếp tục được dồn tích và tích tắc. Thế hệ trẻ ở EU nếu thấy được vấn đề chắc sẽ đau tim hơn, cho họ và cho cả thế hệ tương lai.
---------------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global